Nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm mang lại hiệu quả cao
Hiện nay tại tỉnh Cà Mau có hàng trăm hộ dân nuôi sò huyết xen canh trong vuông nuôi tôm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ nuôi.
Vùng nuôi tập trung nhiều nhất là huyện Cái Nước với hơn 600 ha, kế đến là vùng ven biển thuộc các huyện Năm Căn, Trần Văn Thời mỗi huyện nuôi hàng chục héc ta.
Sò huyết là loài thủy sản biển, xuất hiện theo mùa mỗi năm một lần. Sò huyết giống rất nhỏ khoảng 2.000 con/kg nhưng thả nuôi từ 8-10 tháng có trọng lượng 100 con/kg, giá bán 100.000 đồng/kg.
Nhờ nuôi loài thủy sản này, nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ông Lương Xuân Phát, ngụ ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước cho biết, trước đây ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, nhưng nhờ nuôi sò huyết, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 10%, giảm 15% so với cách đây 3 năm.
Hiện nay, huyện Cái Nước đã thành lập trên 20 Tổ hợp tác nuôi sò huyết, trong tương lai gần sẽ tiến tới thành lập Hợp tác xã nuôi sò huyết nhằm hỗ trợ nhau về vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất, phấn đấu tới đây sò huyết là loài thủy sản không chỉ tiêu thụ trong nước mà có giá trị xuất khẩu.
Nhằm tạo điều kiện cho người dân nuôi sò huyết phát triển kinh tế gia đình, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng phương án khai thác sò huyết ven biển và tổ chức nuôi sò huyết xen canh trên đất nuôi tôm.
Đồng thời tổ chức ương giống sò huyết, quá trình nuôi phải bảo đảm yêu cầu là tạo việc làm cũng như thu nhập cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Qua đó, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự ven biển bằng việc tổ chức lại mô hình quản lý. Tránh khai thác, nuôi theo kiểu tự phát.
Đồng thời ưu tiên phát triển mô hình kinh tế tập thể thông qua hoạt động của tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nhằm nâng cao chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm.