TIN THỦY SẢN

Nuôi thương phẩm cá mặt quỷ

Cá mặt quỷ. NH Tổng Hợp

Nghiên cứu tìm ra phương pháp nuôi thương phẩm cá mặt quỷ ưu việt nhất để ứng dụng vào sản xuất nuôi thương phẩm.

Cá mặt quỷ là loài đặc sản có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao với 16 loại acid amin khác nhau, trong đó có 8 loại acid amin không thay thế đối với con người. Hiện nay, nhu cầu của thị trường với loài cá này ngày càng tăng cao, có tiềm năng thành đối tượng nuôi trồng trong tương lai.

Cá mặt quỷ thường sống tại vùng nước cạn, nhất là khu vực gành đá, rạn san hô ven đảo. Tại Việt Nam, cá mặt quỷ được tìm thấy nhiều nhất ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi; một số khác ở Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận và được đánh bắt từ nhiều năm nay nên sản lượng còn rất ít. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, việc sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá này cần được thực hiện sớm nhất có thể. 

Vì thế, nghiên cứu nuôi thương phẩm loài cá này là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thử nghiệm nuôi thương phẩm cá mặt quỷ trong bể xi măng và trong ao đất tại Khánh Hòa; Bài báo trình bày một số kết quả bước đầu của nghiên cứu này, nhằm giới thiệu những thông tin cơ bản liên quan đến một đối tượng mới nhiều tiềm năng phát triển. 

Phương pháp thí nghiệm

Thí nghiệm tiến hành nuôi trong bể xi măng và trong ao đất

- Bể xi măng: Cá giống khối lượng trung bình là 2,1 ± 0,4 g được thả với mật độ ở Bể 1, Bể 2 và Bể 3 là 10 con/m², 15 con/m², và 20 con/m² nuôi trong vòng 4 tháng. Sau đó, đem số cá này thả nuôi ở ao đất với mật độ 1 con/m² ở Ô 1.

- Ở Ô 2 và Ô 3 :  Ô 2 và Ô 3: Thả giống từ đàn cá giống có khối lượng trung bình là 2,5 ± 0,4 g; mật độ thả ở Ô 2 và Ô 3 là 3 và 6 con/m² và nuôi trong vòng 7 tháng. Sau đó so sánh kết quả tăng trưởng và tỉ lệ sống so với Ô 1.

Thức ăn: tôm chân trắng hoặc cá chẽm nhỏ còn sống, cung cấp vào bể nuôi, để cá mặt quỷ tự bắt. 

Kết quả

Sinh trưởng trong ao xi măng: cho thấy khi nuôi với mật độ càng cao, sinh trưởng về chiều dài và khối lượng cá mặt quỷ càng giảm. Cùng đàn cá giống thả nuôi vào 3 bể khác nhau, chế độ chăm sóc giống nhau, nhưng sau 4 tháng nuôi, Bể 1 (mật độ 10 con/ m²) đạt chiều dài trung bình 61,1 mm và khối lượng trung bình 8,9 g, trong khi Bể 2 (mật độ 15 con/m²) và Bể 3 (20 con/m²) chỉ đạt chiều dài trung bình là 57,4 mm và 53,6 mm và khối lượng tương ứng là 7,7 g và 6,4 g. Sinh trưởng chiều dài trung bình ngày đạt 0,28, 0,25 và 0,21 mm/ngày và sinh trưởng tương ứng về khối lượng là 0,06, 0,05 và 0,04 g/ngày. Đồng thời tỉ lệ sống của bể nuôi với mật độ 10 con/m² cho tỉ lệ sống cao nhất là 85,0%, và thấp nhất là 81,5% nghiệm thức nuôi với mật độ 20 con/m².

Khi nuôi trong ao đất: tỷ lệ sống ở nghiệm thức nuôi mật độ 1 con/m2  là cao nhất đạt 31,2% và các nghiệm thức còn lại lần lượt là 3 và 5 con/m² đạt tỷ lệ sống 9,0 và 4,7%, sinh trưởng chiều dài trung bình ngày ở Ô 1, Ô 2 và Ô 3 lần lượt đạt 0,38, 0,29 và 0,25 mm/ngày, sinh trưởng khối lượng tương ứng đạt 1,30, 0,24 và 0,16 g/ngày.

Qua nghiên cứu cho thấy bên cạnh mật độ, môi trường nuôi có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống của cá nuôi; khi nuôi trong ao đất thời tiết ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của cá. Ở Ô 1 cá được thả vào ao sau khi đã nuôi một thời gian trong bể xi măng, kích thước giống lớn hơn (chiều dài trung bình 58,3 mm và khối lượng trung bình 7,6 g), và thời điểm thả giống (tháng 12) có thời tiết tương đối thuận lợi, ít mưa, sau đó chuyển sang mùa khô , nên cá đã phát triển tốt. Ô 2 và Ô 3 thả giống vào tháng 9, khi cá giống còn nhỏ đưa trực tiếp từ bể ương ra ao nuôi, từ tháng 9 – 12 trời mưa nhiều; Đây có thể là những yếu tố môi trường bất lợi làm cá chết nhiều thêm. Mật độ nuôi là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống nhiều loài cá biển nuôi. 

Do đó, để nuôi thương phẩm cá mặt quỷ bà con nên ương cá trong bể xi măng ở giai đoạn giống để có thể dễ kiểm soát về yếu tố môi trường, sau đó thả vào nuôi trong ao đất. Tuy nhiên nên lựa chọn thời điểm nuôi phù hợp với đặc điểm sinh học của cá mặt quỷ đảm bảo nâng cao năng suất trong quá trình nuôi.

Theo Võ Thế Dũng và cộng sự -Tạp chí khoa học công nghệ thủy sản.

NH Tổng Hợp