Nuôi tôm an toàn sinh học, sản lượng tăng gấp 2 lần
Nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi tôm theo kiểu truyền thống, hiện Nghệ An đã xây dựng được 7 mô hình
Trong xu thế cạnh tranh với thị trường, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường nuôi tôm theo quy trình an toàn sinh học là yêu cầu tất yếu, giúp người nuôi tôm hạn chế tối đa rủi ro, giảm chi phí, tăng thu nhập.
Ông Vũ Văn Đức, xóm 4, xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) nuôi tôm thẻ chân trắng bắt đầu từ năm 2008, áp dụng nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP từ năm 2013. Ông Đức cho biết, diện tích nuôi tôm của gia đình ông có 7,4 ha, được chia làm 7 ao nuôi với diện tích 2,8 ha; 5 ao chứa lắng, xử lý với diện tích 2,5 ha.
Tôm có thể thu hoạch "tỉa" trong vụ nuôi.
Từ khâu xử lý ao hồ, chọn giống, ươm giống, thả con giống, chăm sóc, quản lý... đến thu hoạch, ông Đức đều thực hiện nghiêm quy trình an toàn sinh học nên tôm ít dịch bệnh, giảm chi phí, sản lượng đạt cao. Sau 80 ngày nuôi thu hoạch tỉa, tôm đạt kích cỡ 40 con/kg, nuôi đến 90 ngày thu hoạch hết, tôm đạt kích cỡ 33 con/kg, sản lượng thu được trong năm 2015 đạt 35 tấn tôm, trừ chi phí còn lãi khoảng 3 tỷ đồng, trước đây nuôi theo quảng canh truyền thống chỉ đạt 25 tấn.
Thu hoạch tôm vụ 2 tại đầm tôm của gia đình anh Nguyễn Hồng Cương, phường Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai.
Ông Trần Xuân Học - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cho biết: Được sự hỗ trợ từ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát bền vững, sau 3 năm (từ 2013 – 2015), Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã xây dựng thành công 7 mô hình quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP trên địa bàn các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu); Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) và Diễn Trung (Diễn Châu) với tổng diện tích 240 ha. Kết quả cho thấy, năng suất đạt xấp xỉ 5 tấn/ha/vụ, tăng gần gấp 2 lần so với nuôi tôm vùng ngoài dự án.
Để người nuôi tôm nói chung, áp dụng kỹ thuật nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP, hướng đến mục tiêu nuôi tôm an toàn sinh học phát triển bền vững, Chi cục tiếp tục xây dựng các mô hình, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo.
Tôm được thương lái thu mua ngay tại đầm.
Ông Tạ Quang Sáng – Trưởng phòng Quản lý giống và nuôi trồng thủy sản - Chi cục nuôi trồng Thủy sản cho rằng: Để thực hiện tốt quy trình nuôi tôm theo an toàn sinh học, đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, thường xuyên cải tạo, làm sạch ao đầm; kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường như độ PH, độ kiềm, độ mặn... Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào cần đặc biệt được chú trọng, con giống phải được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch đầy đủ trước khi thả nuôi.