TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm: Báo động đỏ về ô nhiễm môi trường

Báo Bạc Liêu

Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu và trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Song, với những bất cập trong phát triển nghề nuôi tôm đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển bền vững, Bạc Liêu cần dũng cảm nhìn nhận để có hướng tháo gỡ.

Kênh thủy lợi ở vùng Nam Quốc lộ 1A (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) bị ô nhiễm nặng do việc xả thải nước nuôi tôm.

Hủy hoại nhiều loài thủy sản

Có thể nói, nạn ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm hiện nay đã đến mức báo động đỏ, nhất là ở vùng Nam Quốc lộ 1A. Ông Hứa Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) nói: “Mặc dù đã khuyến cáo không sử dụng các loại hóa chất cấm trong xử lý môi trường ao nuôi, nhưng phần lớn nông dân đều sử dụng, nhất là các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm. Nguyên nhân là vì giá thành của thuốc bảo vệ thực vật rẻ hơn gấp nhiều lần so với các loại hóa chất xử lý khác”. Từ nguyên nhân này mà nhiều hộ nuôi tôm ở vùng Nam đã không ngần ngại sử dụng các loại thuốc trừ sâu có hàm lượng độc tố cao để diệt giáp sát và nhiều loại thủy sản khác. Điều đáng nói, các loại hóa chất độc hại này cứ thay nhau tích tụ trong đất, trong nước làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Song song đó, lượng chất thải từ con tôm, nhiều loại thuốc thú y thủy sản xử lý trong suốt quá trình nuôi tôm càng tạo áp lực nặng nề cho môi trường.

Theo tính toán của các nhà khoa học, tại khu vực nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp (CN-BCN) của TP. Bạc Liêu, để có 1 tấn tôm thành phẩm, thì phải cung 1,1 tấn thức ăn. Do đó, 1 ha ao nuôi tôm nếu cho 10 tấn thành phẩm, thì sẽ thải ra môi trường 7 tấn chất thải. Với số lượng chất thải trên, nếu áp dụng cho diện tích nuôi tôm CN-BCN của tỉnh từ 12.000 - 15.000 ha, thì lượng chất thải xả ra môi trường là con số không nhỏ. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải, kênh mương bị bồi lắng, chỉ đảm bảo chức năng cấp nước là chính, nên cái vòng luẩn quẩn trong xử lý dịch bệnh đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Nghiêm trọng hơn, nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng vô tội vạ các loại thuốc thú y thủy sản độc hại đã làm hủy hoại sự sống của nhiều loại thủy sản và cả các loại tảo, vi sinh vật khác có lợi cho môi trường ao nuôi. Đặc biệt là các vi sinh vật đẩy nhanh quá trình phân hủy các độc tố, góp phần cải tạo môi trường đất, đảm bảo cân bằng sinh thái. Nếu như trước đây, sau mỗi vụ nuôi tôm, trong vuông thường có rất nhiều ốc, cua, cá bống… thì nay rất hiếm, trong đó có một số loài gần như tuyệt chủng.

Gieo mầm bệnh cho môi trường

Một thực tế lâu nay ít được người nuôi tôm quan tâm là chính họ đã gieo mầm bệnh cho môi trường. Đó là việc thả con giống bị nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc, không qua xét nghiệm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, mỗi năm, Bạc Liêu cần khoảng 12 tỷ con tôm giống (tôm post) phục vụ cho sản xuất. Song, các cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh. Trong khi đó, lượng con giống nhập tỉnh lại trốn kiểm dịch vì con giống không đủ chuẩn, không đảm bảo chất lượng và không có giấy kiểm dịch tại nơi sản xuất. Năm 2011 là năm xảy ra cơn “sốt” khan hiếm con giống do nhu cầu nuôi tôm của bà con nông dân tăng gấp 2 - 3 lần. Thế nhưng, chỉ có 205 xe vận chuyển con giống nhập tỉnh thực hiện kiểm dịch, giảm gần 130 lượt xe so với năm 2010 (giảm hơn 50%). Chỉ tính riêng 205 xe vận chuyển tôm giống nhập tỉnh đã chiếm hơn 6,1 tỷ con. Do vậy, không kiểm dịch được con giống nhập tỉnh, cũng đồng nghĩa với việc có đến hàng tỷ con giống không đảm bảo chất lượng bị “lọt lưới” và đổ vào ao nuôi.

Nuôi tôm được xem là thế mạnh, kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng vẫn chưa phát triển bền vững. Trong ảnh: Thu hoạch tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.

Nguyên nhân tồn tại nạn bán tôm giống nhiễm bệnh nhưng vẫn có người mua là do sự dễ dãi, ham rẻ của người nuôi tôm. Ngoài diện tích nuôi tôm CN-BCN được xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, các hộ áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến hay mô hình tôm - rừng, lúa - tôm… đều mua con giống trôi nổi. Ông Trần Thanh An, một hộ nuôi tôm xã Tân Thạnh (huyện Giá Rai), khẳng định: “Do thả với mật độ thưa, lại nuôi theo hình thức quảng canh hay quảng canh cải tiến kết hợp, nên nông dân chỉ cần tôm giống giá rẻ là mua. Không ai đem con giống đi xét nghiệm cho tốn thêm tiền”. Đây là thực trạng phổ biến tồn tại hơn chục năm qua.

Ngoài diện tích nuôi CN-BCN, Bạc Liêu còn hơn 100.750 ha tôm nuôi áp dụng các mô hình sản xuất khác. Nếu con giống mang mầm bệnh cứ được thả nuôi trên diện tích này, đến một lúc nào đó, nông dân sẽ phải trả giá. Cụ thể là diện tích nuôi tôm ở những mô hình sinh thái được coi là thân thiện với thiên nhiên, ít rủi ro thì tôm vẫn chết, nông dân phải tốn thêm bạc triệu để mua con giống nuôi mới.

Đối việc thả tôm giống với mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản lại càng nghịch lý hơn. Để bảo vệ nguồn lợi và tái tạo nguồn tôm giống từ biển, mỗi năm, Bạc Liêu thả ra biển từ 6 - 7 triệu con tôm giống. Ngặt nỗi, lượng tôm giống này chủ yếu vận động từ các cơ sở sản xuất tôm và chưa được xét nghiệm hay kiểm dịch. Lượng tôm được thả này nếu bệnh thì chết đã dành, còn nếu không, sẽ phát triển thành tôm bố mẹ. Những con tôm bố mẹ này sẽ quay trở lại vào các trại sản xuất tôm giống để sản xuất ra tôm post bán cho người nuôi. Và ai dám chắc những con tôm này sẽ không nhiễm bệnh! Tái tạo nguồn lợi thủy sản theo quy trình ngược này phải chăng là một trong những nguyên nhân không thể làm dứt các bệnh trên tôm, bởi nguồn tôm giống ban đầu không được làm sạch từ gốc?

Nông dân lãnh đủ

Qua 10 năm chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, người nông dân đã đổ rất nhiều tiền của, mồ hôi, nước mắt cho con tôm. Vậy mà, đến nay vẫn chưa ai có thể khẳng định đây là mô hình sản xuất bền vững. Bởi rủi ro luôn chực chờ, người nông dân cứ phải sản xuất theo kiểu “5 ăn, 5 thua”. Kể cả những kỹ sư chuyên ngành loại giỏi cũng không dám chắc nuôi tôm sẽ thắng.

Điểm lại một vài con số cho thấy, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại cứ theo đà năm sau tăng cao hơn năm trước. Đơn cử như: năm 2009, diện tích nuôi tôm thiệt hại là 10.153 ha; năm 2010 là 21.605 ha; năm 2011 là 29.518 ha. Lẽ ra, diện tích bị thiệt hại phải giảm do nông dân tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi, cũng như các nhà khoa học đã cho ra đời nhiều mô hình, quy trình nuôi tôm bền vững. Vậy mà… Nghịch lý đáng báo động này cần được nghiên cứu làm rõ, nếu không, ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của tỉnh sẽ khó phát triển bền vững. Và đó sẽ thật sự là nguy cơ đối với nghề nuôi tôm và chế biến thủy sản xuất khẩu (chiếm hơn 60% nguồn thu thuế công thương nghiệp, mỗi năm đem về hàng chục triệu USD và góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động).

Với những thách thức và việc thiếu các giải pháp trong nuôi tôm như hiện nay, nhiều người cho rằng nghề nuôi tôm chẳng khác nào... đánh bạc. Do đó, việc phân tích để làm rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp trong nuôi tôm lúc này là vấn đề rất cấp bách.

 

Báo Bạc Liêu