TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm công nghệ Biofloc cần dùng loại vi sinh nào, quy trình ra sao?

Mô hình nuôi tôm siêu thâm cnah

Đó là câu hỏi của anh Lê Văn Khánh, thôn Bình Trung xã Tam Hải huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam được ThS.Nguyễn Thị Gái Nhỏ - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM trả lời như sau:

Hệ thống Biofloc đã được áp dụng nhiều trong nuôi thủy sản. Để áp dụng bạn cần đầu tư hệ thống ao, sử dụng một số vi sinh tăng cường.

Các loại men vi sinh hiện các hộ nuôi tôm Biofloc:

     Sử dụng loại men vi sinh nhiều chủng hiệu quả hơn so với các chủng đơn lẻ trong việc cải thiện sự tăng trưởng và sức khỏe tổng thể của tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) như các chủng loại dòng vi khuần như chế phẩm sinh học hỗn hợp có chứa Lactobacillus pentosus BD6, Lactobacillus fermentum LW2, Bacillus subtilis E20 và Saccharomyces cerevisiae P13. Probiotic là chế phẩm sinh học, có thành phần là các vi sinh vật sống có lợi, giúp tăng cường hệ vi khuẩn đường ruột, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể vật chủ chống lại vi khuẩn gây bệnh. 

Quy trình tạo ra flocs

   Chuẩn bị ao: Ao lót bạt toàn bộ bờ ao, được trang bị 04 giàn quạt nước (cung cấp oxy, tạo dòng), 02 máy sục khí dạng lủi (đảm bảo oxy ở khu vực giữa ao, hạn chế sự lắng tụ của các hạt flocs), 01 máy cho ăn tự động và nhá cho ăn. Cách bố trí giàn quạt nước và máy sục lủi theo sơ đồ dưới. Để đảm bảo có thể kiểm soát tốt lượng flocs và chất lượng nước trong suốt quá trình nuôi, ao cần được trang bị hệ thống ống siphon, cho phép hút chất thải lắng tụ ở khu vực giữa ao ra ngoài theo định kỳ hoặc tại những thời điểm cần can thiệp.

Xử lý nước, tạo màu nước:

    Các công đoạn cải tạo ao, lấy và xử lý nước, tạo màu nước, xử lý vi sinh … đều theo qui trình chuẩn của doanh nghiệp. Trong thời gian đầu của vụ nuôi, hàm lượng chất hữu cơ trong nước ao còn ít. Việc phát triển Biofloc chưa thuận lợi do mật độ vi khuẩn dị dưỡng khó có thể đạt mức cao. Vì thế cần duy trì màu nước nhạt để tạo điều kiện thuận lợi cho tôm nuôi. Từ tuần thứ 2 trở đi mới tiến hành bổ sung nguồn C để vi khuẩn dị dưỡng phát triển dần.

Nếu nước của ao nuôi tôm được sử dụng lại cho vụ nuôi tiếp theo thì cần tác động ngay từ trước khi thả tôm giống. Vì lúc này hàm lượng chất hữu cơ ở trong nước ao rất cao. Khi bổ sung C và đầy đủ oxy, flocs sẽ phát triển tốt, làm thức ăn cho tôm giống.

Chế độ quạt nước: 

   Ao nuôi theo công nghệ biofloc cần phải được khuấy đảo, cung cấp oxy liên tục. Chi phí cao về điện có thể được bù đắp bằng cách thả tôm với mật độ cao hơn (khoảng 200 – 250 PLs/m2).

+ Tháng thứ 1: 

01 dàn quạt chạy 24/24 (có thể luân phiên mỗi dàn 6 tiếng một ngày; đảm bảo tại bất cứ thời điểm nào cũng có 01 dàn quạt hoạt động). 

Từ ngày thứ 15 trở đi, buổi sáng chạy 01 sục lủi (ở khu vực trung tâm ao) 1 tiếng từ 9:00 – 10:00, buổi chiều chạy 1 tiếng từ 14:00 – 15:00 để phát tán lại các vật chất lơ lửng lắng đọng ở khu vực trung tâm.

+ Tháng thứ 2: 

10 ngày đầu 01 dàn quạt chạy 24/24. Dàn thứ 2 chạy từ 19:00 đến 07:00. Sục lủi tăng thêm một tiếng mỗi buổi (09:00 – 11:00 và 14:00 - 16:00).

Từ ngày 11 trở đi, 02 dàn quạt chạy 24/24. Sục lủi chạy thay luân phiên, mỗi máy 12 tiếng.

+ Tháng thứ 3: 

Ban ngày 02 sục khí và 2 dàn quạt chạy liên tục.

Từ 19:00 đến sáng, chạy 01 sục lủi và 4 dàn quạt.

Chế độ bổ sung C (carbon) và loại cơ chất C sử dụng

+ Hàng ngày xác định hàm lượng TAN (Nitơ tổng số) lúc 09:00 để tính lượng cơ chất có chứa C cần bổ sung (C) theo công thức sau:

C (kg) = (TAN – 0,5 mg/L) x1000 x V x 20 

(Trong đó V là thể tích nước ao hiện có).

+ Trong tháng nuôi đầu tiên, nếu lượng cơ chất C tính theo công thức trên <70% lượng thức ăn đưa xuống ao ngày hôm trước thì điều chỉnh lên mức tương đương với 70% lượng thức ăn.

+ Trong tháng nuôi đầu tiên, chỉ sử dụng bột khoai mì hoặc cám gạo. Từ tháng thứ 2 trở đi, sử dụng 80% bột khoai mì hoặc cám gạo, 20% mật rỉ đường. Lưu ý: chọn loại bột mì hoặc cám rẻ tiền nhưng không bị mốc. 

+ Cách sử dụng: rải bột mì hoặc cám đều khắp ao, riêng mật rỉ đường hòa vào nước tạt ở khu vực có quạt nước.

Cho ăn và chuẩn bị thức ăn: Cho ăn bằng tay trong tháng 1 và bằng máy cho ăn tự động từ tháng thứ 2 trở đi. Người quản lý ao biofloc cần phải ghi chép chính xác lượng thức ăn đã đưa xuống ao hàng ngày để làm cơ sở tính toán lượng cơ chất có chứa C cần bổ sung. Về nguyên tắc, khi floc đã phát triển trong ao, nhu cầu thức ăn viên của tôm sẽ giảm đi một phần. Ngoài ra người nuôi có thể sử dụng loại thức ăn có hàm lượng đạm thấp hơn so với mức thường dùng.

TTKNTPHCM