Nuôi tôm đầy nỗi lo đầu vụ
Thị trường tôm ở ĐBSCL vẫn chưa thật sự sôi động. Tôm đầu vụ thu hoạch giá bán đang giảm nhẹ. Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) tôm trong vùng dự báo nhiều thách thức chực chờ...
Cạnh tranh đầy thách thức
Hiện nay, trên thị trường, tôm vẫn là mặt hàng thực phẩm có giá trị cao. Vì vậy, nhiều nước có điều kiện đều chú trọng phát triển nuôi tôm.
Những năm gần đây, đáng chú ý nhất là Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ nổi lên với tham vọng sẽ đạt sản lượng tôm nuôi cao nhất thế giới trong vài năm tới.
Giám đốc một DN ở ĐBSCL (xin không nêu tên) sau chuyến khảo sát thị trường từ hội chợ chuyên ngành thủy sản Boston, Hoa Kỳ hồi tháng 3 vừa qua, phân tích: Ấn Độ rộng lớn có bờ biển mênh mông, dài khoảng 7.500km với nhiều vùng có khí hậu khác nhau, có thể cung cấp nguồn tôm nuôi đều đặn.
Điều này trở thành lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng với giá thành nuôi tôm thấp, giá bán thấp, tôm Ấn Độ dễ chen chân vào các thị trường lớn, nhất là Hoa Kỳ.
Nếu vài ba năm trước, trình độ chế biến tôm của Ấn Độ chỉ tương đương Việt Nam vào cuối thế kỷ XX, chủ yếu tôm block, nhưng mấy năm gần đây, nước này nhập rất nhiều thiết bị cấp đông IQF (lạnh đông nhanh) và máy phân cỡ tôm từ Việt Nam.
Từ đó dẫn đến sự thay đổi lớn cơ cấu tôm thành phẩm của Ấn Độ. Tôm tươi IQF của Ấn Độ giá rẻ đã chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, nâng tỷ lệ đạt 34% tổng tôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ năm 2017, cao nhất so trước đó. Trong khi tôm Việt Nam chiếm khoảng 8%.
Tuy có sự chuyển đổi nhưng không thể hoàn tất một sớm một chiều. Ấn Độ vẫn còn một tỷ lệ tôm block không nhỏ, đủ để các nhà máy chế biến tôm ở Ấn Độ dự trữ để tiêu thụ lúc tôm hết vụ.
Song, sức tiêu thụ tôm block ngày càng có xu thế giảm. Nhất là từ giữa năm 2016 tới nay, các nhà máy chế biến tôm Việt Nam đã hạn chế nhập tôm block từ Ấn Độ, do khó truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của khách hàng.
Bằng chứng cho thấy ở hội chợ thủy sản có rất nhiều thương nhân Ấn Độ đến để tiêu thụ lượng tôm block còn tồn đọng trước khi áp lực mùa vụ mới gần kề.
Hệ quả ra sao? DN nêu trên dẫn chứng: Tôm block thẻ chân trắng còn vỏ, bỏ đầu cỡ 26-30 (con/kg) nếu thời hoàng kim năm 2013 - 2014 Ấn Độ dễ tiêu thụ giá 10,3 USD/kg.
Đến 2016 - 2017 giá giảm còn 8,6 USD/kg. Hiện nay, DN Ấn Độ chào bán giá chỉ 7,5 USD/kg mà vẫn ế hàng. Họ cần bán vì đa phần nhà máy chế biến Ấn Độ quy mô không lớn, cần tiêu thụ để trả nợ ngân hàng và chuẩn bị cho mùa tôm mới diễn ra vào cuối tháng 4.
Với giá này, quy ra tôm thẻ chân trắng nguyên liệu nguyên con cỡ 40 con/kg ở Ấn Độ dưới 90.000 đồng/kg. Trong khi hiện thời tôm cỡ này ở ĐBSCL giá 130.000 đồng/kg.
Khó khăn từ vùng nuôi
Ở Sóc Trăng, một công ty thu mua tôm thẻ kiểm tra theo tiêu chuẩn "sạch" XK, cho biết: Do thời tiết khá thuận, tuy xảy ra vài cơn mưa trái mùa nhưng không lớn và nhiều như năm 2017. Vì vậy sản lượng tôm từ đầu năm đến nay ước đạt cao hơn so với cùng kỳ 30-40%.
Qua vài ngày gần đây, nếu DN mở cửa thu mua bình thường vẫn có thể đạt trên 40-50 tấn/ngày. Thế nhưng, trong khi sản lượng tôm thu hoạch có dấu hiệu tăng lên thì tiến độ thu mua của các nhà máy có phần chậm rãi.
Trái ngược so cùng kỳ các năm trước, nhà máy thường thiếu nguyên liệu vào mùa này. Đó là do còn nguồn tôm dự trữ tồn kho.
Trong khi đó, dù có mặt thương lái Trung Quốc đến vùng nuôi tôm, nhưng họ vẫn chưa thu mua mạnh nên giá tôm vẫn giảm.
Có nhiều nguyên nhân lý giải tôm giảm giá, bởi năm 2017 tôm trúng mùa, sản lượng lớn; đồng thời mục tiêu năm 2018 XK tôm trong nước sẽ tăng lên.
Cùng lúc đó dự báo năm nay sản lượng tôm thế giới sẽ tăng, mặc cho thị trường Mỹ vừa qua mùa đông kéo dài, hiện sức tiêu dùng chậm, tồn kho, các nhà nhập khẩu không vội nhập hàng và có phần mặc cả, giảm giá.
ĐBSCL đang tất bật vào vụ nuôi tôm mới. Đầu vụ năm nay người nuôi không tập trung thả đồng loạt, chỉ thả từng phần trong số ao tôm nhằm giảm thiểu rủi ro.
Điều này có lợi cho các nhà máy chế biến, giảm cảnh "đói-no" nguyên liệu thất thường. Song có thể gây rủi ro cho người nuôi, vì không ngắt vụ hoàn toàn; vi khuẩn, virus vẫn tiềm ẩn đâu đó trong khu vực nuôi; tôm dễ sinh dịch bệnh.
Mặt khác, mặt tồn tại lâu nay và khó khăn nhất là đa phần người nuôi thiếu vốn vì nhiều vụ nuôi thất bát trước đó. Vì thế, người nuôi muốn thả tôm nuôi phải cậy nhờ thương lái đầu tư. Thương lái đầu tư phải tính tới sự rủi ro cao bằng cách tính giá con giống, thức ăn đầu tư với giá tăng 40-50% so với giá gốc. Do đó người nuôi dẫu có trúng mùa thì lợi nhuận cũng giảm nhiều.
Hơn nữa khó khăn bủa vây người nuôi tôm ngay từ lúc mới chuẩn bị ao nuôi vào vụ giá cả đầu vào con giống, thức ăn… nuôi tôm đều tăng.
Không chỉ người nuôi tôm mà một số DN đầu tư vùng nuôi tôm cũng lên tiếng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát giá các mặt hàng thiết yếu trong nuôi tôm, vì việc quản lý giá các mặt hàng này trên thị trường hiện còn quá lỏng lẻo.
Mặt khác, người nuôi tôm cần biết các thông tin cơ bản như thời tiết; hướng dẫn tiết kiệm điện, thức ăn nhằm giảm giá thành nuôi tôm; diễn biến giá tiêu thụ tôm; cỡ tôm dễ tiêu thụ…
Muốn vậy, các cơ quan quản lý phải kết hợp với các hiệp hội, DN chế biến XK cùng thảo luận đề ra các chương trình thông tin truyền thông chuyên ngành và địa phương ở giai đoạn nuôi tôm tập trung từ tháng 5 đến tháng 10 sắp tới.
Trong bối cảnh giá tôm sẽ giảm, các nhà cung cấp vật tư nuôi tôm không thể tự mình lo phần lời cao cho riêng mình.
Các DN XK phải có kế hoạch tiêu thụ để giảm thiểu tồn kho, hạn chế giảm giá tôm nguyên liệu thấp nhất. Và chỉ có sự chia sẻ trên tinh thần hợp tác, cùng tồn tại mới có thể phát triển chuỗi giá trị con tôm bền vững lâu dài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường XK.