TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm giữ cân bằng môi trường

Nuôi tôm giữ cân bằng cho môi trường thì mới phát triển và lâu dài. Ảnh minh họa: Internet Sáu Nghệ

Thực trạng môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng nề trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đặt ra cho việc nuôi tôm ở ĐBSCL, để phát triển bền vững thì phải giảm tác động tiêu cực, giữ cân bằng môi trường. Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học và quản lý, không ít nơi đã đạt được mục tiêu đó bằng nhiều sáng tạo.

Nuôi cá cải tạo nước nuôi tôm

Ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) có 50 ha, một nửa diện tích đào ao nuôi tôm, nửa còn lại đào ao nuôi cá rô phi. Nước từ ao cá rô phi được bơm lọc sang ao nuôi tôm thẻ chân trắng, ông bắt đầu thực hiện thí điểm vào năm 2013, với 3 ao, cho kết quả ngoài mong đợi. Qua từng năm, ông mở rộng và cải tiến dần phương thức nuôi, đến năm 2016, thả giống hai đợt với 60 ao, thu hoạch hơn 160 tấn, lời gần 20 tỷ đồng. Năm nay tiếp tục gặt hái thành công. Ông cho biết, lợi nhuận cao nhất khi thả thưa, chỉ khoảng 30 con/m2, nuôi 3 tháng thu được tôm cỡ lớn, bán có giá. “Tình hình khác hoàn toàn với những năm trước đây khi môi trường bị ô nhiễm nên tôm dính dịch bệnh, chết hoài. Nay môi trường được giữ gìn, nước trong xanh”, ông Hoàng phấn khởi.

Cùng huyện Trần Đề nhưng ông Hứa Thành Hưng ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng lại nuôi cá chẽm để cải tạo nước cho nuôi tôm. Ông Hưng kể, năm 2016, trên diện tích 27 ha, ông nuôi cá chẽm lấy nước cho 24 ao nuôi tôm, thả giống hai đợt thu được 162 tấn tôm, bán lời hơn 11 tỷ đồng.

Đó là những hộ có nhiều đất, đào ao nuôi cá riêng để lấy nước cho ao nuôi tôm, còn những hộ ít đất lại đặt lồng nuôi cá trong ao nuôi tôm hoặc thả cá trực tiếp vào ao tôm. Dùng những cái lồng và cũng có thể quây lưới để nuôi cá trong ao tôm, giúp cải thiện môi trường, đặc biệt xử lý khá hiệu quả tảo độc xuất hiện trong ao. Còn thả cá trực tiếp vào ao tôm với mật độ thấp, có tác dụng cải tạo môi trường rõ rệt, nhất là khi xuất hiện tình trạng tôm chết rải rác, cá thả vào đã tìm ăn hết tôm chết, xử lý luôn tảo và rong ở đáy ao.

Nhiều nông dân còn thả cá vào ao nuôi tôm để làm sạch nước trước khi thả tôm giống. Ông Tăng Văn Tuối ở HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết, ông thường thả cá rô phi chừng 20 - 30 con vào 1.000 m2 ao nuôi tôm, trước khi thả tôm giống 7 - 10 ngày. Nhờ đó, môi trường nước ao tôm được xử lý tốt mà không cần dùng hóa chất. Khi thả tôm giống, vẫn tiếp tục nuôi cá trong ao để thường xuyên cải tạo nước. Theo ông Tuối, thả cá ghép vào ao tôm có tốn thêm thức ăn chút ít nhưng tỷ lệ tôm sống tới 80 - 90% và quan trọng là tôm ít bị bệnh, lớn nhanh. “Cũng cần lưu ý là lựa chọn cá rô phi đực để thả ghép, tránh cá sinh sản quá nhiều trong ao tôm”, ông Tuối nói.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc đưa cá vào ao nuôi tôm đã có những kết luận của các nhà khoa học về hiệu quả cải tạo môi trường. Đó là, vi khuẩn Bacillus subtilis tìm thấy trong ruột và phân cá rô phi có thể được xem là vi khuẩn có lợi, đối kháng với vi khuẩn gây hại như Vibrio có trong môi trường. Dịch nhầy trên một số loài cá cũng làm giảm vi khuẩn có hại, phát triển vi khuẩn có lợi cho tôm. Tuy nhiên, nước thích hợp để nuôi tôm chỉ nên sử dụng lúc cá nuôi khoảng 3 tháng, nếu cá nuôi lâu hơn lại xuất hiện vi khuẩn có hại.

Nuôi tôm cải tiến ít thay nước

Hồi nào, nuôi tôm quảng canh là thay nước hàng ngày, thậm chí theo thủy triều hai lần một ngày. Còn nuôi quảng canh ít thay nước thì những ô nhiễm nếu có trong ruộng tôm được hạn chế xả ra môi trường, ít ảnh hưởng chung và năng suất nuôi tôm nhờ đó tăng lên, thành công đã khẳng định vào năm 2016. Năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau triển khai diện rộng.
Ở huyện Năm Căn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau cùng Phòng NN&PTNT huyện mở rộng hơn 160 ha. Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, ông Mã Huy phấn khởi, trước đây, nuôi tôm quảng canh thông thường chỉ đạt năng suất trung bình 200 kg/ha/năm. Nay nuôi quảng canh cải tiến ít thay nước, năng suất đạt tới 400 - 500 kg/ha/năm, gấp hơn 2 lần trước đây. Với các ruộng tôm do Trung tâm triển khai trong các nông hộ, năng suất tăng gấp 3 lần.

Gia đình ông Quang Văn Thảnh ở thị trấn Năm Căn, nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước từ giữa năm 2016. Với 3 ha, ông Thảnh cho biết, nuôi kiểu cũ trước kia chỉ những con nước trúng tôm mới được 4 - 5 triệu đồng; còn nay mỗi con nước đều đều cho bình quân không dưới 10 triệu đồng. Việc làm vệ sinh ruộng và chăm sóc không khác trước đây, chỉ khác là cứ nửa tháng, phải dùng men vi sinh tưới đều trên ruộng để giúp cải tạo môi trường nước và đáy ao được tốt, cho tôm lớn khỏe.
Ở xã Hàng Vịnh, gia đình ông Nguyễn Thành Nhân nuôi tôm quảng canh từ vài chục năm trước. Dăm năm gần đây, môi trường ô nhiễm nên năng suất tôm giảm, có năm không có lời, cuộc sống khó khăn. Khi được hướng dẫn nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, từ cuối năm 2016, ông mạnh dạn thực hiện. Với diện tích hơn 2 ha, sau gần 3 tháng thực hiện, đều đều hai kỳ con nước hằng tháng, mỗi con nước cho ông 15 - 20 kg tôm. Với giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, khá hơn hẳn nuôi quảng canh theo kinh nghiệm trước kia.

Bên cạnh, tôm giống phải qua giai đoạn vèo, nuôi riêng trong vùng nhỏ được quây lưới để kiểm soát môi trường tốt, khi tôm giống lớn khỏe mạnh mới thả bung ra ruộng. Việc nuôi vèo không tốn kém mà còn tiết kiệm được chi phí. Với những lợi thế về đầu tư ít mà cho năng suất cao, ổn định, nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước được đánh giá là mô hình bền vững ở Cà Mau.

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau: Vì nuôi tôm quảng canh ít thay nước nên cần lưu ý gia cố bờ bao kỹ, tránh để nước rò rỉ. Việc dùng chế phẩm sinh học phải đúng định kỳ để môi trường nước và đất được duy trì ổn định, tốt cho con tôm. Bên cạnh, người nuôi tôm phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ruộng nuôi để kịp thời xử lý các biến động và kiểm soát dịch bệnh.

Sáu Nghệ TSVN