TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm hiện đại ứng dụng công nghệ cao

Các công nghệ cao được ứng dụng trong sản xuất tôm nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất. Ảnh: Tép Bạc Nhất Linh

Là một trong những ngành tạo nên thế mạnh của Việt Nam, ngành nuôi tôm luôn không ngừng phát triển và có những tiến bộ vượt bậc.

Tuy nhiên, nuôi tôm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm những khó khăn trong việc quản lý chất lượng nước, kiểm soát bệnh tật,... Để giải quyết những thách thức này, nuôi tôm công nghệ cao đã được ứng dụng trong sản xuất nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất. 

Tình hình về ngành nuôi tôm

Trong những năm gần đây, tôm ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong tháng 4/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 442 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm bốn tháng đầu năm nay đạt kỷ lục trong 5 năm trở lại đây với 1,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ.

Sau những ảnh hưởng từ bệnh dịch Covid – 19, có thể thấy ngành tôm Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Ecuador về xuất khẩu tôm, trung bình 5 năm qua xuất khẩu tôm của Việt nam tăng trưởng 5% mỗi năm. Các thị trường chính của tôm Việt Nam vẫn là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Mặc dù đạt con số rất lớn trong năm 2022, tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự báo sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Khi năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn).  

VASEP nhấn mạnh, xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn. Chỉ có thể dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2 năm 2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Điều này cũng thấy rõ, khi giá trị xuất khẩu tôm trong những tháng gần đây, nhất là tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 251 triệu USD, giảm mạnh với con số giảm 54,9% 

Tầm quan trọng của công nghệ cao trong sản xuất tôm 

Với tầm quan trọng của ngành nuôi tôm đối với thị trường sản xuất và kinh tế, việc ứng dụng công nghệ cao sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và đảm bảo sự bền vững môi trường trong quá trình sản xuất. Thông qua việc áp dụng công nghệ cao, người nuôi có thể dễ dàng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi một cách thông minh và hiệu quả hơn.

Áp dụng công nghệ cao người nuôi có thể dễ dàng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình nuôi một cách thông minh và hiệu quả hơn. Ảnh: Tép Bạc

Công nghệ cao có thể được sử dụng một số hoạt động như giám sát và kiểm soát chất lượng nước trong bể nuôi tôm hoặc được ứng dụng để để cải thiện chất lượng thức ăn và tăng cường sức khỏe của tôm. Các sản phẩm và phần mềm hỗ trợ sinh học có thể được sử dụng để tăng cường hệ miễn dịch của tôm và hạn chế bệnh tật. Ngoài ra còn hỗ trợ người nuôi trong việc phát hiện và xử lí bệnh dịch trong ao nuôi một cách nhanh chóng và hiệu quả,… 

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm 

Mô hình nuôi RAS: là mô hình nuôi tuần hoàn khép kín với môi trường được kiểm soát chặt chẽ trong các bể nuôi trong nhà. Nước chỉ lấy một lần, được lọc sạch dựa trên công nghệ lọc sinh học kết hợp cơ học và hệ thống xử lý chất thải hiện đại, sau đó tái sử dụng liên tục. Nhờ đó hạn chế được dịch bệnh xảy ra ở tôm và giảm đáng kể tiêu thụ nguồn nước. 

Mô hình nuôi Biofloc: Cốt lõi của công nghệ nuôi này là tạo và duy trì các hạt floc lơ lửng trong ao nuôi, khi đạt được mật độ nhất định chúng sẽ xử lý chất thải hữu cơ và trở thành nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, giúp tiết kiệm lượng thức ăn. Công nghệ không chỉ làm giảm giá thành sản xuất mà còn mang lại môi trường nước ổn định, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng trên tôm. 

Mô hình nuôi CPF – Combine 3 giai đoạn: CPF-Combine là sự kết hợp nhiều giải pháp quan trọng như an toàn sinh học (dùng chế phẩm sinh học ngăn ngừa vật chủ trung gian, dùng vi sinh khống chế dịch bệnh), môi trường nuôi sạch (nguồn nước đầu vào và đáy ao được xử lý sạch), sử dụng con giống sạch bệnh và dùng thức ăn chất lượng tốt. 

Kiểm tra tôm thẻ chân trắng trong 1 ao nuôi áp dụng công nghệ nuôi tôm CPF-Combine 3 giai đoạn. Ảnh: Tép Bạc

Theo đó, điều đặc biệt nhất là 100% tôm được thu hoạch từ mô hình CPF-Combine đều có thể chế biến xuất khẩu vì có chất lượng tốt, không có dư lượng kháng sinh nhờ quy trình nuôi đã hỗ trợ nông dân giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh trên tôm ngay từ khâu xử lý nước, con giống và sự kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi. 

Thách thức 

Ngành tôm càng ngày càng phát triển một phần nhờ thành quả của việc chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng suất, mật độ nuôi cũng như chất lượng tôm thương phẩm, kích cỡ đồng đều, giảm hoặc tránh các tác động tiêu cực của môi trường trong suốt quá trình nuôi, dễ dàng xử lý và kiểm soát môi trường… 

Bên cạnh đó, việc ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao vẫn còn vướng phải nhiều thách thức. Ví như, đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu (do chi phí đầu tư lớn), các hộ nuôi chưa thực sự tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ, thay đổi kỹ thuật nuôi… Điển hình với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh có mật độ nuôi quá dày, nếu không có trình độ quản lý tốt và áp dụng kỹ thuật cao rất dễ gây thất thoát lớn trong quá trình nuôi tôm, đặc biệt việc kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Nhất Linh