Nuôi tôm hùm… trên bờ
Tôm hùm xưa nay không thể sống trong môi trường nhân tạo. Ngư dân cũng chỉ nuôi được tôm hùm trong lồng biển. Vậy mà TS. Mai Duy Minh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chuyển hẳn “nhà” cho tôm hùm từ biển lên bờ...
Ông tiến sĩ làm bạn với ngư dân
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực nuôi tôm hùm tại Trung tâm quốc gia giống hải sản miền Trung ở dốc Đá Trắng (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh), TS. Minh nhớ lại: “Đề bài giao cho tôi 200m2 hồ nuôi, trong 3 năm cho 400kg tôm và làm được thức ăn công nghiệp dạng viên khô (viết tắt là thức ăn viên). Năm 2016, lần đầu, tôi thả 300 con giống, tôm chết dần chết mòn, sống được chừng 60 con. Thả bổ sung đợt 2, 3, 4… cũng chẳng khả quan hơn, có đợt chết gần hết đàn. Nhiều người bảo, làm không nổi đâu!”.
Trước khi thực hiện đề tài, TS. Minh chưa ngày nào trực tiếp nuôi tôm hùm. Ông chỉ từng tham gia dự án quy hoạch nuôi tôm hùm và làm đề tài về tuần hoàn nước. Ai cũng biết, con tôm hùm sống ở biển, ăn thức ăn tầng đáy, làm sao lên bờ, lại nuôi ở triền núi khô cằn nắng nóng như dốc Đá Trắng! Ban đầu, TS. Minh nuôi trong những hồ nhỏ vài mét vuông. Tôm chết, ông mổ ra nghiên cứu, gửi mẫu đi phân tích; rồi lại nuôi ở hồ lớn hơn, sâu hơn, nhưng tôm vẫn chết! Ông lại mời chuyên gia kiểm tra: môi trường nước tốt; thức ăn được kiểm duyệt kỹ. Riêng vấn đề phòng, trị bệnh cho tôm hùm là khoa học chưa giải quyết căn cơ. Vậy là TS. Minh quyết định đi tìm ngư dân nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong.
TS. Minh đã gặp các ngư dân. Ông mời họ tham quan khu nuôi tôm hùm trên bờ. Dân cũng mời ông ra bè xem tôm hùm của họ. Như những bạn chài, TS. Minh thoải mái ngồi nhậu với các ngư dân và ngủ lại trên bè. Quen biết hơn, ông gửi 200 con giống cho 2 ngư dân nuôi giùm để so sánh độ tăng trưởng giữa nuôi ở biển và nuôi trong hồ. Gửi rồi, ông thường xuyên ra bè thăm tôm, trao đổi. Khi đã thân thiết, mỗi ngư dân một ý, sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm chọn giống, phân biệt tôm bệnh, tôm khỏe, cách phòng, trị bệnh… TS. Minh ghi nhận hết, rồi về nghiền ngẫm thêm hàng loạt tài liệu trong ngoài nước, phân tích, tiếp thu có chọn lọc để cho ra cách phòng, trị bệnh riêng. Từ tháng 6-2017, tôm giống thả nuôi tại trung tâm bắt đầu phát triển ổn định. Tết vừa qua, những con tôm loại 1 (từ 0,5kg/con) đã xuất hồ.
Ngư dân học ông tiến sĩ
Ngư dân Lê Xuân Hân (tổ 1, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) chia sẻ, ông đã mười mấy năm bươn chải nuôi tôm hùm lồng trong vịnh Vân Phong. Cơn bão năm 2017 cuốn sạch 500 lồng với 35.000 - 40.000 con tôm hùm giống, mất vài chục tỷ đồng. 100 con tôm giống của TS. Minh gửi nuôi cũng bị trôi mất. Hiện nay, tôm ông nuôi đạt 0,5kg/con cũng bị chết nhiều do đen mang. “Nuôi tôm hùm ngoài biển 18 tháng, bán 1,4 - 1,5 triệu đồng/kg mới “cán vốn” thôi. Mô hình của thầy Minh khả quan vì khoa học, rút ngắn được công lao động, quản lý được con mồi, kiểm soát được môi trường nước, đặc biệt, chẳng sợ rủi ro gió bão”, ông Hân nói.
Đề tài Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm (tôm hùm bông Panulirus ornatus) bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn là công trình nghiên cứu cấp bộ, do TS. Mai Duy Minh làm chủ nhiệm, triển khai trong 3 năm (2016 - 2018) với nhiều nội dung, tổng kinh phí được cấp 5,1 tỷ đồng. Trong tháng 3, đề tài sẽ hoàn thành báo cáo kết quả để làm căn cứ đánh giá, xem xét cho phép tiếp tục nghiên cứu.
Ông Mai Duy Hảo, 1 trong 3 nhân viên gắn bó với khu nuôi tôm hùm từ ngày đầu, dí dỏm giải thích, ông có nước da trắng là bởi không phải lăn lộn ngoài biển như người nuôi tôm lồng. Hầu hết hoạt động nuôi ở đây đều được máy móc hỗ trợ. Hệ thống nuôi tôm hùm gồm 2 bể tròn, 2 bể vuông lớn và 8 bể vuông nhỏ sâu nước 1 - 1,4m, cùng nhiều thiết bị phụ trợ. Bể vuông dễ tạo các góc khuất giúp tôm hùm trú ẩn, tránh bị ăn thịt; bể tròn lại tạo dòng xoáy, giúp loại bỏ chất thải, thức ăn dư qua lỗ thoát ở tâm đáy bể. Đường kính hay cạnh bể từ 3m trở lên đảm bảo khoảng cách cho tôm hùm thương phẩm bật lùi không bị chạm vào thành bể gây tổn thương. Mỗi bể đều treo lưới để tôm đeo bám. Nước biển từ bể nuôi chảy vào bể lắng để giữ lại chất thải dạng hạt, rồi qua bể lọc sinh học để được vi sinh vật xử lý, sau đó chảy qua bể chứa, làm mát, sục khí Oxy, qua hệ thống UV diệt khuẩn rồi về lại bể nuôi.
Không chỉ chủ động về môi trường nước, TS. Minh còn tự làm thức ăn viên. Nuôi tôm hùm trong hồ, nếu dùng toàn thức ăn tươi, thường chứa mầm bệnh, dễ làm tôm bệnh, cũng dễ ô nhiễm do thức ăn thừa. Qua nhiều lần thử nghiệm, TS. Minh đã sản xuất thức ăn viên khá giống thức ăn tự nhiên, tan chậm, phù hợp với đặc tính của tôm hùm, vừa làm giảm giá thành, chủ động phòng bệnh, vừa có ý nghĩa khi chứng nhận xuất khẩu. Bên cạnh đó, TS. Minh đã chủ động giảm thiểu dịch bệnh trong hồ nuôi mà không cần loại bỏ nguồn tôm giống mang mầm bệnh. Hiện nay, TS. Minh đã kiểm soát được bệnh sữa, bạc vỏ trên tôm hùm và đang tìm cách khống chế bệnh đen mang.
Ông Hân tiết lộ, ông đã nuôi tôm hùm giống bố mẹ, định đưa TS. Minh nghiên cứu cho ra tôm giống mà bão làm chết hết. Hiện ông đang tìm mua đất để xây hồ nuôi tôm hùm trên cạn với quy mô bằng 8/10 quy mô đề tài, sau đó nhờ TS. Minh giúp đỡ kỹ thuật. Điều đó cho thấy, lão ngư này có niềm tin vào tiềm năng của mô hình.
Tôm thịt được nuôi từ lúc còn là tôm giống 20g.
Thành quả và trăn trở của nhà khoa học
Đề tài nuôi tôm hùm bông từ con giống 20g/con lên tôm thương phẩm trong bể nuôi tái sử dụng nước, dùng 100% thức ăn viên của TS. Minh đã cơ bản giải quyết được 3 vấn đề quan trọng: quản lý môi trường nước, phòng trị bệnh và tự làm thức ăn công nghiệp. Tuy vậy, so sánh với kết quả nuôi tôm hùm lồng của người dân thì tăng trưởng khối lượng và tỷ lệ sống vẫn thấp hơn. Sau 18 tháng nuôi, tôm hùm lồng đạt cỡ 0,9 - 1kg/con; tỷ lệ sống 80%; tôm nuôi trong hồ đạt khoảng 0,68kg/con, tỷ lệ sống 71%. Nếu tính trên quy mô 100m2 hồ nuôi, với tổng chi 546 triệu đồng, giá bán 1,8 triệu đồng/kg (tôm loại 1) thì lỗ khoảng 46 triệu đồng.
Hệ thống hồ nuôi tôm hùm.
Nhưng tính toán cho thấy, nếu nâng cao chất lượng nước, quản lý hiệu quả hơn tình hình dịch bệnh, đồng thời tiếp tục cải tiến chất lượng thức ăn viên thì tôm có thể đạt 0,8kg/con, tỷ lệ sống 80%, lợi nhuận 41%. Như vậy, tuy trước mắt chưa mang lại lợi nhuận kinh tế nhưng kết quả nghiên cứu trên có ý nghĩa nền tảng để tiếp tục cải tiến kỹ thuật, xây dựng quy trình nuôi tôm hùm thực sự hiệu quả trong vài năm tới, đáp ứng tiêu chí công nghệ cao, sạch môi trường, bền vững và xuất khẩu. Được biết, TS. Minh đã được mời tư vấn xây dựng mô hình phát triển nuôi tôm hùm bông và xanh trên bờ, mỗi loại 5 tấn sản phẩm, quy mô 5.000m2 tại Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (tỉnh Phú Yên). Một vài doanh nghiệp cũng đang tìm hiểu và gợi ý sẽ tham gia đầu tư kinh phí để hoàn thiện công nghệ và sở hữu kết quả này.
TS. Minh chia sẻ, hy vọng sau này đề tài sẽ liên kết được nhiều doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, bởi đề tài cho phép nhiều đơn vị tham gia thiết kế, chế tạo các thiết bị, hồ nuôi nhiều kích cỡ; hoặc cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn… Nhưng cái khó là phải giữ được công nghệ cho doanh nghiệp Việt. Trước mắt, những người dân có kinh nghiệm nuôi tôm hùm lồng có thể áp dụng nuôi trong bể bán tuần hoàn (thay nước biển thường xuyên hơn) và dùng thức ăn tươi, có lãi mà ít rủi ro hơn nuôi lồng biển.