Nuôi tôm khép kín: "bí quyết" bất bại của những tỷ phú tôm
Dù nuôi tôm công nghiệp truyền thống cũng đem lại cho người nông dân thu nhập cao, nhưng những tỷ phú nông dân Móng Cái vẫn quyết tâm thay đổi sang nuôi tôm khép kín bởi những lợi ích từ mô hình này mang lại.
Và người tiên phong đưa ứng dụng khoa học mới trong nuôi tôm công nghiệp chính là "ông trùm" Bùi ngọc Liêm, chủ đầm tôm ở khu 9, Hải Hòa, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá TP Móng Cái.
Sau những vụ tôm thất bát do dịch bệnh, từ năm 2016 ông Bùi Ngọc Liêm chuyển sang đầu tư nuôi tôm theo hình thức khép kín trong nhà bạt, được thiết kế một cách khoa học từ hệ thống bể cấp nước, ao nuôi, khu xử lý môi trường…
"Hiện nay, với gần 7ha nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, tổng sản lượng nuôi tôm đạt hơn 40 tấn, doanh thu mỗi năm của gia đình tôi đạt khoảng 4 tỷ đồng", ông Liêm cho biết.
Ngoài “ông trùm” Bùi Ngọc Liêm, nhiều nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng khác ở Móng Cái cũng đang tiến hành đầu tư, cải tiến từ nuôi tôm công nghiệp thành mô hình nuôi tôm khép kín.
Ông Bùi Ngọc Liêm (áo xanh), chủ đầm tôm ở khu 9, Hải Hòa, TP Móng Cái.
Khởi nghiệp từ năm 2002, đến nay mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Nam, xã Vạn Nam, TP.Móng Cái) đã cho hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích hơn 7ha và giá bán tôm thẻ chân trắng dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, mỗi năm anh Vinh thu nhập khoảng 4-5 tỷ đồng. Thậm chí có những năm thuận lợi, vụ tôm thắng lớn, thu nhập của anh lên đến gần 8 tỷ đồng.
Hiện anh Vinh cũng đang đầu tư nuôi tôm khép kín khi sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao… Theo anh Vinh, tuy chỉ mới thí điểm nuôi tôm khép kín ở một ao, nhưng anh đã thu 500 triệu đồng nhờ ao tôm này.
“Vào mùa đông, nhiệt độ xuống 17 độ C thì tôm giảm sức ăn, ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Với việc áp dụng nuôi tôm có hệ thống mái che khép kín giúp cho nhiệt độ ít bị chênh lệch, nhờ đó hạn chế dịch bệnh, năng suất tôm mỗi vụ tăng lên, thu nhập cũng tăng lên theo đó,” anh Vinh chia sẻ.
Ngoài anh Nguyễn Văn Vinh, ông Bùi Văn Trình (thôn Đông, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) cũng là một trong những người nuôi tôm thẻ chân trắng đang tiến hành nâng cấp toàn bộ diện tích nuôi tôm theo mô hình khép kín.
Ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Nam, TP Móng Cái.
Theo ông Trình, với diện tích 6,8ha, mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 60 tấn tôm thương phẩm, thu nhập khoảng 4 tỷ đồng/năm.
“Khi mới bắt đầu nuôi tôm, tôi chỉ nuôi theo hình thức quảng canh, sau đó chuyển sang nuôi tôm bán thâm canh, tuy nhiên thu nhập chỉ khoảng vài trăm triệu đồng một năm. Kể cả chuyển sang nuôi tôm công nghiệp trong ao đất, tuy thu nhập tăng lên, nhưng rủi ro vẫn khá cao. Bởi vậy sau vụ tôm vừa rồi, tôi bắt đầu tiến hành cải tiến toàn bộ diện tích khu vực nuôi tôm thành mô hình nuôi tôm khép kín" - ông Bùi Văn Trình nói.
Hệ thống ao nuôi tôm đang được phủ bạt và xây những trụ bê tông chắc chắn.
Theo ông Trình, ao nuôi tôm khép kín được thiết kế có những trụ bê tông, láng đáy, hệ thống cáp mái che… Hệ thống mái che khép kín với 2 lần lưới trên và dưới, ở giữa là một lớp bạt hoặc ni-lon, hệ thống dây cáp chắc chắn vừa an toàn vào mùa bão lại vừa tránh được các loại động vật khác xâm hại, hạn chế dịch bệnh cho tôm nuôi.
“Hiện nay, mô hình nuôi tôm của tôi theo hướng VietGAP, thức ăn cho tôm là thức ăn sạch, vấn đề xử lý môi trường, vệ sinh ao nuôi cũng toàn toàn được sử dụng bằng các chế phẩm sinh học của Công ty CP. Sau khi xây dựng thành mô hình khép kín, tôi tin rằng sản lượng, chất lượng tôm thẻ chân trắng của Móng Cái sẽ càng tốt hơn” - ông Trình nói.
Theo ông Liêm, mô hình nuôi tôm khép kín mặc dù mức đầu tư cao từ 600-700 triệu đồng/ao nuôi có diện tích 2.000m2, song rủi ro được hạn chế. Thời gian cho mỗi vụ nuôi cũng giảm đáng kể, từ 90-100 ngày đối với vụ đông và từ 70-80 ngày đối với vụ hè.
Như vậy, mỗi năm người nuôi tôm có thể nuôi được 3 vụ và năng suất tôm nuôi cũng cao hơn, bình quân đạt trên 10 tấn/ha khi nuôi chính vụ, còn nuôi trái vụ sẽ đạt 6-7 tấn/ha.