Nuôi tôm ở xã Triệu Lăng: Được mùa, được giá
Câu chuyện được người dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) phấn khởi bàn tán những ngày đầu năm mới là chuyện vụ tôm được mùa, trúng giá. Nhà nào ít thì cũng thu lãi hơn trăm triệu đồng, nhà nhiều thì lên đến cả tỷ đồng. “Mấy năm trở lại đây, chưa có vụ tôm nào người nuôi tôm ở xã chúng tôi vừa được mùa, lại trúng giá như vụ này”, ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng hào hứng chia sẻ.
Cái tên được người dân nhắc nhiều nhất có lẽ là hộ gia đình anh Nguyễn Hùng Cư, ở thôn 4, xã Triệu Lăng. Sở hữu một ao nuôi với diện tích khoảng 3.000m2, vụ tôm vừa qua, gia đình anh Cư thu hoạch tôm bán được 1,8 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí thức ăn, tiền điện, lãi ròng khoảng 900 triệu đồng. Anh Cư cho biết: “Hai vụ tôm trước, gia đình tôi lãi liên tiếp mỗi vụ hơn 1 tỷ đồng. Cũng nhờ mấy vụ trở lại đây giá tôm rất cao, trung bình tôm loại I khoảng 200.000 đồng/kg nên các hộ nuôi tôm trong xã đều có lãi”.
Năm 2015 là một năm thắng lớn đối với người dân nuôi tôm ở xã Triệu Lăng. Năm qua, toàn xã có 75 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng với số lượng giống được thả hơn 75.000 con. Nhờ tuân thủ việc chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo đúng kỹ thuật nên sản lượng thu được hơn 539 tấn, tổng giá trị ước đạt trên 77,23 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, người dân lãi ròng hơn 23,3 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình nuôi đạt lợi nhuận rất cao, từ trên 500 triệu đồng/vụ như hộ ông Nguyễn Hùng Cư, Trần Quyết, Trần Lương, Nguyễn Văn Trọng… ở thôn 4; Nguyễn Phú Cường, Phan Văn Đấu, Nguyễn Huấn… ở thôn 5; Đặng Xuân Hòa, Đoàn Phơ, Đoàn Phải, Đoàn Hiển ở thôn 1... Hầu hết các hồ nuôi tôm trong xã đều có từ 4 hộ trở lên cùng chung vốn đầu tư, tiền lãi được chia theo cổ phần đóng góp. Vụ tôm vừa qua, hộ nuôi nào thu lợi nhuận ít cũng được hơn trăm triệu đồng, người dân vô cùng phấn khởi. Đặc biệt trong hai tháng đầu năm 2016, toàn xã Triệu Lăng có hơn 56 ha diện tích nuôi tôm cho sản lượng thu hoạch 157 tấn, doanh thu hơn 28 tỷ đồng, trong đó lãi hơn 10,5 tỷ đồng. Riêng thôn 4 là đơn vị nuôi thành công nhất với số lượng hơn 15 hồ cho sản lượng gần 90 tấn, lãi ròng khoảng 5 tỷ đồng.
Theo những người dân có kinh nghiệm nuôi tôm ở xã Triệu Lăng, việc đầu tư nuôi giống tôm thẻ chân trắng có nhiều ưu điểm hơn nuôi tôm sú. Về con giống, tôm thẻ chân trắng được các Công ty CP Việt Nam, Công ty Việt - Úc chủ động tạo nguồn giống đạt chất lượng cao về kháng bệnh và sự tăng trưởng. Nuôi tôm thẻ chân trắng cũng giống tôm sú ở điểm chủ yếu là hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh theo quy trình ít thay nước. Đối với tôm thẻ chân trắng, trong quá trình nuôi phần lớn sử dụng các loại men vi sinh, vôi, khoáng chất để quản lý môi trường ao, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất độc hại trong quá trình phòng bệnh nên môi trường khá ổn định. Mặt khác, chi phí thức ăn của tôm thẻ chân trắng thấp hơn so với tôm sú, thời gian nuôi ngắn hơn nhưng năng suất cao, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người nuôi.
Chia sẻ về thắng lợi của những vụ tôm gần đây, ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng, cho biết thêm: “Để nuôi thành công một vụ tôm, thu được lợi nhuận cao, bắt buộc người dân phải tuân thủ nghiêm quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi. Mô hình nuôi tôm cộng đồng nằm trong vùng quy hoạch, áp dụng nuôi tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, con giống nguồn gốc rõ ràng từ các công ty sản xuất giống có uy tín và đảm bảo chất lượng được kiểm dịch theo quy chuẩn và sạch bệnh”.
Điều đáng mừng là diện tích hồ tôm bị bệnh thời gian qua không đáng kể, như trong hai tháng đầu năm 2016, thống kê của xã cho thấy chỉ có khoảng 1,2 ha diện tích hồ tôm bị bệnh. Người nuôi tôm đã ngày càng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi, xử lý dịch bệnh để thu được hiệu quả kinh tế cao.
Chị Lê Thị Nữ, ở thôn 3, hộ nuôi vừa được chia lãi hơn 300 triệu đồng từ làm chung hồ tôm với các hộ khác phấn khởi cho biết: “Nhờ lợi nhuận từ nuôi tôm thẻ chân trắng nên đời sống của gia đình tôi những năm trở lại đây đỡ vất vả hơn, vừa có tiền nuôi con ăn học, vừa tích lũy được vốn liếng. Vụ tới gia đình tôi cũng tiếp tục nuôi tôm với hi vọng cũng sẽ trúng như vụ vừa qua”.
Từ thành công liên tiếp của những vụ tôm thời gian qua, với kinh nghiệm đúc rút được, nông dân xã Triệu Lăng tin tưởng, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây cũng là cơ sở để chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư xây dựng, nhằm phát huy một cách có hiệu quả hơn lợi thế về tiềm năng diện tích nuôi trồng thủy sản sẵn có của địa phương.