Nuôi tôm… ôm nợ!
Sau nhiều vụ nuôi thất bát, vài chục hộ nuôi tôm ở tổ dân phố Hà Liên, phường Ninh Hà (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ của các hộ dân hiện đã lên đến gần 3 tỷ đồng và họ không còn khả năng trả. Tính đến cuối năm 2011, gần nửa số hộ nuôi tôm (hơn 40 hộ) đã lần lượt phải ra hầu Tòa. Nếu cơ quan Thi hành án thi hành bản án, sẽ có hàng trăm người không biết đi đâu, về đâu…
Đìa tôm bỏ hoang.
Chúng tôi về làng tôm Hà Liên vào đầu Hè, khi vụ nuôi tôm đã bắt đầu được vài tháng. Trước mắt chúng tôi là cảnh đìa tôm hoang tàn, nhiều trang trại đóng cửa im ỉm, guồng máy vứt chỏng chơ. Lác đác mấy người đang kiểm tra, sửa sang lại đìa để chuẩn bị thả thêm lứa tôm mới. Chúng tôi gặp anh Trần Vinh, chủ ao tôm, đang loay hoay lấy nước vào đìa để vệ sinh ao sau vụ tôm vừa chết. Rót ly nước mời khách, anh Vinh như muốn trút hết nỗi niềm sau vụ làm ăn thất bại: “Mấy năm nay, anh em chúng tôi thua lỗ liểng xiểng, nuôi tôm vụ nào lỗ vụ đó. Tuy nợ nần chồng chất, nhiều hộ không có khả năng trả nợ, nhưng chúng tôi vẫn phải gắng gượng nuôi tiếp vì không còn lựa chọn nào khác. Không có đất nông nghiệp, chuyển đổi nghề cũng chẳng biết làm gì, nếu không tiếp tục “đánh bạc với trời” thì biết đào đâu ra tiền để trả nợ? Đầu năm nay, với 5.000m2 đìa, tôi thả 8 vạn tôm sú, nuôi được 2 tháng thì tôm chết sạch! Vớt vát cả đìa chỉ được 80kg tôm chết, bán được hơn 4 triệu đồng…”.
Do thả nuôi ít, lại phó mặc cho thiên nhiên nên người nuôi chỉ đủ thu hoạch tôm bằng lờ dây.
Khi chúng tôi đến chòi canh tôm, anh Trần Tiến đang đãi mấy người trong làng một chầu vì vụ tôm năm nay “được” thu hoạch sớm! Với 5.000m2 đìa, anh Tiến thả nuôi 30 vạn tôm thẻ chân trắng. Nhưng mới nuôi được 50 ngày thì tôm chết, nổi trắng đìa, anh đành phải bán thốc, bán tháo. Do tôm chưa đủ tuổi, vụ này, anh Tiến chỉ thu được 1,2 tấn, bán được 72 triệu đồng. Trừ chi phí, anh lãi được 10 triệu đồng. Anh Tiến cười như mếu: “Nói thật với chú, tôm chết mà bán được huề vốn là may lắm rồi. Từ đầu năm đến nay, trong làng, hầu như ai cũng phải thả con giống 2 - 4 lần. Mấy năm nay, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, con giống thả nuôi cùng một kích cỡ nhưng khi thu hoạch lại có đủ hạng cân. Lứa nào tạm thu được lại bị dính bệnh phân trắng, đỏ thân, đen mang… nên giá bán cũng rất thấp, lợi nhuận không cao”.
Guồng máy đập nước vứt chỏng chơ ven đìa tôm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không có vốn đầu tư nên hiện giờ, hầu hết người nuôi tôm ở Hà Liên chỉ thả nuôi cầm chừng, số lượng giảm hơn nhiều so với những năm trước. Phần lớn người nuôi thả con giống rồi phó mặc cho trời theo kiểu được chăng hay chớ. Có tới 90% số đìa không còn sử dụng máy sục khí. Chính vì thế, thu nhập của người nuôi tôm ở thôn Hà Liên lại càng bấp bênh.
Ôm nợ!
Theo chân ông Lê Văn Sỹ - Tổ trưởng tổ dân phố, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Lượm. Ông Lượm có gần 20 năm làm nghề nuôi tôm ở thôn Hà Liên, cũng là hộ đang nợ ngân hàng mà không có khả năng chi trả. Đang nợ, nên thấy có khách đi cùng Tổ trưởng tổ dân phố, ông Lượm luống cuống ra mặt, mời chúng tôi vào nhà mà nét mặt rất lo lắng.
Đìa tôm giờ đây thành bãi trâu đầm…
Gia đình ông Lượm bắt đầu nghiệp nuôi tôm từ năm 1994. Một thời gian dài, với 9ha đìa thả nuôi tôm tự nhiên theo kiểu bán thâm canh, tuy sản lượng không cao nhưng lợi nhuận thu được của nhà ông cũng khá. Mỗi vụ, ông Lượm thu hàng chục triệu đồng nên gia đình thuộc diện có của ăn, của để trong thôn. Năm 2001, khi phong trào nuôi tôm phát triển rầm rộ, ông Lượm vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi tôm theo kiểu công nghiệp. Nhưng 3 năm liên tiếp, tôm mất mùa. Tiền vốn và tiền vay ngân hàng hàng tỷ đồng đã mất trắng. Đến năm 2004, ông Lượm phải bán 4,5ha đìa, tài sản vốn liếng trong gia đình cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Đến nay, ông Lượm không còn khả năng trả 150 triệu đồng tiền vay ngân hàng và đã bị ngân hàng khởi kiện ra Tòa. Được biết, quá trình hòa giải, phía ngân hàng yêu cầu gia đình ông trả nợ trong vòng 8 tháng, mỗi tháng 20 triệu đồng, nhưng ông không thể trả nổi. Hòa giải không thành phải ra Tòa, ông Lượm đương nhiên thua kiện và phải chịu thêm án phí 7,5 triệu đồng. Đưa cho chúng tôi xem giấy triệu tập thi hành án, ông Lượm mếu máo: “Mấy năm nay, con tôm dịch bệnh liên miên, nuôi vụ nào lỗ vụ đó, kinh tế gia đình tôi ngày càng đi xuống. Nói thật, ngay cả bữa ăn hàng ngày còn phải chạy vạy thì đào đâu ra tiền trả nợ! Đường nào cũng đã ra Tòa, đến ngày nào mất nhà cũng không biết nữa”.
Do không có vốn nuôi tôm, một số hộ dân ở tổ dân phố Hà Liên phải đi thả lờ dây, lưới để bắt ốc, sò kiếm cơm qua ngày.
Gia đình ông Nguyễn Tám (cùng thôn) cũng bi đát không kém. Vụ tôm năm nay, ông vay nóng được 20 triệu đồng để thả 22 vạn con tôm giống. Nhưng mới nuôi được 1 tháng, tôm đã bị bệnh, chết hàng loạt. Mất hết tiền vốn, hy vọng có ít tiền để trả nợ ngân hàng của ông Tám cũng tan tành. Hiện nay, ông Tám còn nợ ngân hàng hơn 70 triệu đồng, không còn khả năng trả…
Trong các hộ nuôi tôm, hoàn cảnh của ông Nguyễn Bổn còn bi đát hơn. Cũng vì con tôm, ông Bổn nợ ngân hàng 100 triệu đồng. Tài sản trong nhà cơ bản không còn gì; ngay cả chiếc tivi, ông cũng không sắm nổi!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không có vốn đầu tư, lại không được vay ngân hàng nên hầu hết người nuôi tôm trong tổ dân phố Hà Liên đều phải vay nóng để mua con giống, chịu lãi suất từ 10 - 20%/tháng.
Theo ông Sỹ, phường Ninh Hà nằm ở hạ lưu sông Cái. Vùng đất này có đặc thù là 7 tháng nước mặn, 5 tháng nước ngọt nên chỉ phù hợp với nuôi tôm, cua; chuyển đổi đối tượng nuôi khác sẽ không phù hợp vì thời gian nuôi ngắn. Chính vì thế, Nhà nước và ngành chức năng cần sớm có chính sách hỗ trợ khuyến ngư, khuyến nông, khoa học kỹ thuật và con giống để người nuôi tôm có thể trụ được với nghề…
Trận mưa giông chiều cuối tuần như muốn giật tung nhiều mái lợp, xé toạc nhiều phên lá cũ kỹ ở các chòi canh tôm vốn đã vắng chủ tại tổ dân phố Hà Liên. Mấy ai biết rằng, nhiều chủ nhân của những căn chòi xác xơ đó từng là triệu phú, phất lên từ nghề nuôi tôm. Nhưng giờ đây, những triệu phú một thời đó đang sống trong lo âu, canh cánh với món nợ khổng lồ.