TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm quảng canh cải tiến: Hướng đi bền vững

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình QCCT ở xã Định Thành (huyện Đông Hải). Ảnh: C.L Chí Linh

Những năm qua, huyện Đông Hải đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Trong đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) đã và đang phát huy hiệu quả, được nhiều nông dân áp dụng.

Nuôi tôm với chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao là điều người nuôi tôm luôn mong muốn. Với mô hình nuôi tôm QCCT, bà con không cần nhiều vốn, không đòi hỏi kỹ thuật cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng lại đạt hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế của nhiều hộ gia đình. Huyện Đông Hải hiện có 35.057ha áp dụng mô hình nuôi tôm QCCT, tập trung ở các xã Định Thành, An Phúc, Long Điền Tây...

Để mô hình nuôi tôm QCCT phát huy hiệu quả, Phòng NN&PTNT huyện đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con từ khâu cải tạo ao đầm đến thả nuôi. Theo đó, bà con tát cạn ao đầm, phơi khô đáy ao rồi bón vôi; sau đó lấy nước vào ao nuôi đạt 1,2m; xử lý diệt khuẩn và cá tạp trước khi thả giống. Mật độ giống thả nuôi là 2 con/m2, thời gian thả bù từ 1 - 1,5 tháng/lần. Trong suốt quá trình nuôi, cán bộ nông nghiệp còn hướng dẫn bà con kiểm tra và xử lý các yếu tố môi trường như độ kiềm, màu nước…

Ông Nguyễn Văn Thung (xã Long Điền, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm QCCT đến nay, tôm nuôi của tôi phát triển rất tốt, ít phát sinh dịch bệnh. Tôm đạt đầu con, mau lớn và bán được giá cao”.

Để giúp người nuôi tôm nâng cao giá trị sản phẩm, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời hướng đến quy hoạch vùng chuyên canh tôm sạch, huyện Đông Hải đã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi tôm QCCT (với diện tích 81ha ở 2 xã: Định Thành A và An Trạch A). Sau 6 tháng thả nuôi, tôm của 2 tổ hợp tác đạt năng suất bình quân 270 - 340kg/ha, mỗi tổ viên lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha/6 tháng”.

Theo ông Cái Hoàng Bảo, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Mô hình nuôi tôm QCCT mang lại hướng đi bền vững cho người nuôi tôm. Mô hình này không chỉ hạn chế dịch bệnh trên tôm, mà còn cải thiện cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường nước; đồng thời tăng năng suất tôm nuôi. Song song đó, việc liên kết bao tiêu cho nông dân sẽ giải tỏa nỗi lo về giá tôm bấp bênh, giúp nông dân an tâm sản xuất”.

Chí Linh Báo Bạc Liêu, 16/08/2016