Nuôi tôm siêu thâm canh vẫn còn thiếu tính bền vững
Từ khoảng 100 ha nuôi tôm siêu thâm canh vào cuối năm 2016, hiện toàn tỉnh đã tăng lên 2.072 ha với hơn 1.982 hộ nuôi, đóng góp khoảng 20% sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản đạt gần 500 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,2 tỷ USD.
Theo dự báo, loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, có khả năng đạt 5 ngàn ha vào năm 2020 và đạt 10 ngàn ha vào năm 2030.
Tại Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, trăn trở: “Để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỷ USD vào sau năm 2021, cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học hiệu quả và bền vững nhất”.
Tuy nhiên, hiện nay ngành chức năng chưa tìm ra quy trình nuôi chuẩn, phù hợp theo điều kiện thực tế của địa phương, mỗi hộ nuôi cải tiến theo một cách riêng. Từ đó, không ít hộ chưa am hiểu hết các quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, diện tích đất nhỏ, không đáp ứng các điều kiện nuôi nhưng vẫn nuôi tôm siêu thâm canh, hiệu quả mang lại không chỉ thấp mà còn phương hại đến môi trường của các hộ quanh vùng.
“Một tồn tại khó xử lý hiện nay của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, giá cả đầu vào cao, đầu ra bấp bênh dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Đặc biệt, con giống là khâu quan trọng, quyết định năng suất và sản lượng. Thế nhưng, hiện nay tình trạng sản xuất con giống còn tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra”, Tiến sĩ Thắng đánh giá.
Là người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Cà Mau, Thạc sĩ, Kỹ sư Đoàn Hữu Nghị, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, nhận định, nghề nuôi tôm hiện nay đã phát triển vượt bậc. Người nuôi tôm mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng men vi sinh nên việc quản lý môi trường ao nuôi khá tốt. Tuy nhiên, cần thực hiện tốt hơn việc thiết kế hệ thống xử lý nước thải và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Hiện loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Qua kiểm tra thực tế, 1.982 hộ nuôi với diện tích 2.072 ha thì có đến 561 hộ nuôi còn hạn chế các điều kiện nuôi và 222 hộ không đảm bảo các điều kiện về xử lý nước thải, chất thải theo quy định.
Ngoài ra, hệ thống điện phần lớn còn sử dụng trụ điện tạm bợ bằng cây gỗ, số ít có trụ điện bằng bê tông thì không đảm bảo về độ cao cũng như các điểm đấu nối chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Đặc biệt, có đến 110 hộ nuôi ngoài quy hoạch việc xả thải từ các ao nuôi trực tiếp ra môi trường bên ngoài chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm, dịch bệnh lây lan, đe doạ tính bền vững của nghề nuôi tôm.
Giải pháp căn cơ
Phần lớn quy trình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh là quy trình nuôi thay nước và xi phông hàng ngày với thải lượng khoảng 20% thể tích ao nuôi. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đỗ Việt Khoa, với diện tích nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay, hàng ngày lượng nước thải ra trên 4 triệu m3, tương đương lượng nước thải của một nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Đó là chưa kể đến hoạt động sên vét cải tạo đáy ao phát sinh lượng bùn thải lớn. Vì vậy, không có quy trình xử lý nước thải, chất thải hiệu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đe doạ đến nghề nuôi trồng thuỷ sản là điều không thể tránh khỏi.
Ông Đỗ Việt Khoa đề xuất, quy trình xử lý nước thải trong nuôi tôm siêu thâm canh phải dựa trên phương pháp ao sinh học kết hợp với ao lắng và hầm biogas. Cụ thể, hệ thống bao gồm bồn lắng (thay thế ao lắng) để lắng chất thải lơ lửng, hầm biogas để xử lý bùn lắng từ nước xi phông, chuỗi ao sinh học gồm 2 ao và 1 ao khử trùng để xử lý nước thay và các loại nước thải khác.
Sau 3 vụ nuôi siêu thâm canh mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Trần Minh Khôn, ấp Cái Nai, xã Hoà Tân, TP Cà Mau gần 1 tỷ đồng. Ông Khôn cho biết, trong quá trình nuôi, lượng nước, chất thải xi phông hàng ngày đưa vào khu chứa chất thải rắn, hệ thống biogas. Phần nước trong đưa qua ao lắng tuần hoàn và được gia đình nuôi thêm cá rô phi, sau đó nước được lọc qua hệ thống tuần hoàn nước trở lại ao nuôi. Nhờ làm tốt công tác xử lý chất thải, nước thải nên không phát sinh dịch bệnh cho tôm.
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, ông Khôn đề xuất, ở mỗi loại hình nuôi ngành chức năng cần xây dựng từng quy trình phù hợp và có những quy định cụ thể về điều kiện bảo vệ môi trường. Đối với những hộ chuẩn bị nuôi mới phải đảm bảo đủ điệu kiện mới cho phép nuôi. Đối với những hộ đang nuôi, tiến hành kiểm tra, rà soát đủ điều kiện mới tiếp tục cho nuôi.