TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm siêu thâm canh – Mô hình mới, hiệu quả cao

Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đang tăng khá nhanh.

Hơn một năm qua, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau phát triển khá nhanh. Qua quá trình nuôi, loại hình này được đánh giá cho hiệu quả khá cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%, năng suất nuôi đạt từ 40 - 50 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ 80 – 100 tấn/vụ/ha.

Cuối năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 175 ha, nhưng đến năm cuối năm 2017 đã tăng lên gần 1.000 ha nuôi tôm siêu tâm canh.

Theo kế hoạch năm 2017, toàn tỉnh phát triển khoảng 400 – 500 ha và dự kiến đến năm 2020 khoảng 1.000 ha, định hướng đến năm 2030 khoảng 2.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của toàn tỉnh đã đạt gần 1.000 ha, tăng gấp đôi so với kế hoạch năm 2017 và gần đạt ngưỡng dự kiến của năm 2020.

Hiện tại, người dân trên địa bàn tỉnh đang áp dụng theo 2 quy trình nuôi gồm: Quy trình nuôi hai giai đoạn tuần hoàn nước khép kín và quy trình nuôi biofloc. Đây là 2 quy trình nuôi tương đối chuẩn do Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai nhân rộng.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau luôn quan tâm đến việc chỉ đạo quản lý, hướng dẫn người dân thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo đúng quy định về điều kiện nuôi.

Qua quá trình nuôi, loại hình này được đánh giá cho hiệu quả khá cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%, năng suất nuôi đạt từ 40 - 50 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ 80 – 100 tấn/vụ/ha; mỗi năm có thể nuôi 3 - 4 vụ, có hộ nuôi 5 vụ, năng suất có thể đạt tới 120 - 150 tấn/ha/năm. Từ thời điểm cuối tháng 5/2017 đến nay do lượng mưa nhiều, độ mặn thấp, yếu tố môi trường biến đổi…tôm có phần chậm lớn so với các tháng đầu năm, người nuôi thả mật độ tương đối thưa, tôm bị hao hụt trong giai đoạn gièo khoảng 30 ngày (giai đoạn 1), năng suất có thấp hơn nhưng không đáng kể.

Anh Trần Văn Nghiêm ở ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước đã thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc từ giữa năm 2016, với ao nuôi 1.600 m2. Với diện tích trên, mỗi vụ anh Nghiêm thả khoảng 360.000 con tôm giống, sau hơn 3 tháng nuôi thu hoạch khoảng 6 - 7 tấn/ao, giá thành dao động khoảng 160.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi có thể thu về trên 01 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 50%.

Ông Huỳnh Xuân Diện, ở xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cho biết: Vừa qua, tôi đã nuôi thử nghiệm theo quy trình hai giai đoạn tuần hoàn nước khép kín với diện tích 260 m2, tôm nuôi 75 ngày tuổi đạt trọng lượng 44 con/kg, thu hoạch khoảng 2,2 tấn. Nếu đem so sánh, thì quy trình nuôi hai giai đoạn tuần hoàn nước khép kín chi phí đầu tư rẻ hơn khoảng 40% so với quy trình nuôi biofloc, năng suất tương đương nhau. Mô hình này có thể nhân rộng ở những nơi có dòng điện yếu và những hộ có diện tích nhỏ, khoảng 1.000 m2.

Hiện nay, người nuôi tôm rất quan tâm đến loại hình này, diện tích nuôi tăng nhanh từ những ao nuôi tôm công nghiệp chuyển đổi, nâng cấp thành ao nuôi siêu thâm canh, một số hộ xây dựng mới hoàn toàn hệ thống nuôi. Tuy nhiên, việc bố trí hệ thống xử lý nước thải, chất thải của khá nhiều hộ nuôi chưa đủ điều kiện, những hộ có ao chứa và xử lý nhưng cũng chưa đủ dung tích, xử lý chưa triệt để; hồ sơ ghi chép chưa đầy đủ, lưu trữ khó truy xuất; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng, nhất là điện, thủy lợi; nguồn vốn đầu tư khá lớn nhưng khả năng huy động trong dân còn rất hạn chế.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: Trong quá trình thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, khó khăn lớn nhất đặt ra là vấn đề quản lý các điều kiện nuôi, nếu quản lý không chặt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ngay từ đầu Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương quản lý khá chặt chẽ loại hình nuôi này, từ khâu xây dựng ao đầm, cấp thoát nước, xử lý nước phải đảm bảo các quy trình kỹ thuật. Đối với những hộ, tổ chức nuôi không tuân thủ, không đảm bảo quy định về điều kiện nuôi thì kiên quyết xử lý, không cho thực hiện.

Nhận thấy tốc độ phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh khá nhanh, nên từ rất sớm, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng cho địa phương lựa chọn các vùng nuôi tập trung, đáp ứng những tiêu chí đặt ra. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Trong đề án này, đã tính toán, cân nhắc kỹ về định hướng phát triển, sản lượng, quy hoạch ở đâu, vùng nào, điều kiện nuôi như thế nào để đáp ứng yêu cầu và hạn chế sự phát triển tự phát, nuôi ngoài quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường.

Theo kế hoạch, đến năm 2021, tỉnh Cà Mau có kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 02 tỷ USD, nhưng với tốc độ tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh như hiện nay, nếu quản lý chặt chẽ các điều kiện nuôi, phát triển đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường để nuôi tôm bền vững, thì tỉnh Cà Mau sẽ sớm đạt được con số 02 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm và thật sự trở thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như của cả nước.

Với lợi thế về nuôi trồng thủy sản, năm 2018 tỉnh Cà Mau sẽ đăng cai tổ chức Festival tôm. Đây là cơ hội quảng bá các sản phẩm, mô hình, kinh nghiệm chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu tôm; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cà Mau về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững. Thông qua đó, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào Cà Mau trên tinh thần hợp tác, hữu nghị.

CaMau.gov