TIN THỦY SẢN

Nuôi tôm thẻ theo hướng VietGap

Vệ sinh ao trước khi thả tôm thẻ chân trắng Thuỳ Duyên –  Thanh Vũ

Từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay tỉnh Bình Thuận đã hình thành một khu sản xuất tôm giống tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực sản xuất lớn, chất lượng tốt nhất. Tôm giống được tỉnh Bình Thuận xác định là một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh, được cung cấp đi tất cả các tỉnh có nuôi tôm trong cả nước, nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tôm giống của Bình Thuận được đa số người nuôi tôm đánh giá có chất lượng tốt, tỷ lệ nuôi thành công cao.

Năm 2016, toàn tỉnh Bình Thuận đã sản xuất được 20,8 tỷ con tôm post, trong đó tôm sú giống là 950 triệu con; tôm thẻ chân trắng 19,85 tỷ, đạt 112,4 % so với kế hoạch 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2017, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã sản xuất được 5,35 tỷ Post, trong đó tôm sú giống là 300 triệu con; tôm thẻ chân trắng 5,05 tỷ con, so với cùng kỳ 2016 tăng 18,9%.

Trong chương trình khuyến ngư phát triển thủy sản nước mặn, lợ, ngọt, trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP. Mô hình được triển khai từ năm 2014 tại xã Phước Thể (Tuy Phong), Hòa Thắng (Bắc Bình), Tân Hải (La Gi). Mỗi mô hình thực hiện trên diện tích 2,2 ha. Trung tâm chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ con giống và người nuôi chịu 70% chi phí thức ăn cho tôm. Nuôi tôm trong ao trải bạt qua 2 giai đoạn, nuôi tôm theo phương pháp cấy vi sinh EM và mật rỉ đường, nuôi tôm hạn chế kháng sinh và ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý, nuôi tôm trong nhà kín, nuôi tôm theo quy trình bán biofloc, nuôi tôm theo hướng VietGAP. Kết quả chưa đầy 3 tháng nuôi, tôm đạt tỷ lệ sống bình quân 80%, bình quân 50 con/kg, năng suất 18 tấn/ha trong khi kế hoạch là 12 tấn/ha. Theo mô hình này, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng/ha. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh là 850 ha. Trong đó, Tuy Phong có 450 ha, Bắc Bình 50 ha, Hàm Thuận Nam 100 ha, La Gi 80 ha, Hàm Tân 220 ha, Hàm Thuận Bắc 50 ha. Cũng cần nói thêm rằng, thời gian nuôi tôm chỉ từ 2 đến 3 tháng, năng suất, sản lượng cao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nuôi tôm.

Chính vì vậy đã có hiện tượng phát triển nuôi ồ ạt, người dân chạy theo lợi nhuận đã thả nuôi 3 vụ/năm, tâm lý kiểm soát dịch bệnh của người dân có phần chủ quan ở tất cả các mặt như đầu tư cơ sở hạ tầng, chọn giống, mật độ thả giống, lựa chọn mùa vụ cũng như quá trình chăm sóc. Quá trình quản lý dịch bệnh còn mang tâm lý giải quyết tình huống (khi tôm bệnh mới trị), công tác phòng bệnh còn xem nhẹ và khi tôm bệnh người nuôi thường sử dụng kháng sinh.

Vì vậy, kể từ năm 2017 trở đi, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư chủ động xây dựng các mô hình sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, theo chuỗi góp phần vào sự thành công có tính thuyết phục và sẽ dễ dàng nhân rộng. Đổi mới phương thức phối hợp, chỉ đạo, tổ chức triển khai các lớp tập huấn và các mô hình có sự tham gia về kinh phí của Hội Nông dân. Tăng cường sự liên kết giữa cơ quan nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư  tới nông ngư dân, người sản xuất.

Để nâng cao chất lượng tôm giống và đưa được con tôm giống có chất lượng đến trực tiếp ao nuôi, các cơ sở sản xuất tôm giống cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh; Khuyến khích các cơ sở trang bị phòng xét nghiệm bệnh tôm để chủ động kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất. Các cơ sở sản xuất cần nhập khẩu tôm bố mẹ thẻ chân trắng có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao. Ngoải ra, tôm bố mẹ cần phải được tuyển chọn kỹ, đúng trọng lượng và sử dụng đúng thời gian quy định.

Thuỳ Duyên –  Thanh Vũ TGTT