Nuôi tôm trong hồ xi măng hình tròn cho thu nhập tiền tỷ
Anh Nguyễn Văn Vinh cho biết, mô hình nuôi tôm bể tròn có nhiều ưu điểm như tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí, bên cạnh đó còn hạn chế được dịch bệnh, tránh ảnh hưởng trực tiếp từ gió bão, tôm nhanh lớn, năng suất cao...
Là một trong những mô hình được nhiều nhà chuyên môn đánh giá cao tại cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0" năm 2020, dự án "Nuôi tôm trong hồ xi măng dạng hình tròn cho thu nhập cao" của anh Nguyễn Văn Vinh (thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) ngày càng được nhiều hộ gia đình áp dụng trong chăn nuôi.
30 năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng
Chia sẻ về dự án này, anh Vinh cho biết, bản thân có 30 năm gắn bó với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên không ít lần anh gặp thất bại do môi trường ô nhiễm dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh trên tôm. Sau những lần như vậy, Vinh nhận ra nguyên nhân chủ yếu là do môi trường ô nhiễm, tôm phát sinh nhiều dịch bệnh. Từ đó, anh trăn trở tìm mô hình nuôi tôm hiệu quả, hạn chế dịch bệnh.
Nhờ việc mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tham khảo mô hình ở các nước tiên tiến trên thế giới, anh Vinh biết đến mô hình nuôi tôm trong bể xi măng hình tròn, có mái che. Năm 2015, Vinh quyết định cải tạo mô hình ao cát lót bạt nuôi tôm kém hiệu quả trước đây để xây dựng ao nuôi bằng bể xi măng hình tròn, qua đó trở thành người đầu tiên ở Việt Nam đầu tư làm mô hình này.
Nói về ý tưởng làm bể xi măng hình tròn, anh Vinh cho biết, từ xưa đến nay, người dân vẫn thiết kế ao tôm hình vuông diện tích 500 m2, riêng ao nuôi tôm thịt diện tích từ 1.000-1.200 m2 và có sử dụng lưới lan che phía trên. Tuy nhiên, mô hình này chưa thật sự ổn định, thu nhập không cao, rủi ro nhiều, thường xuyên xảy ra dịch bệnh và lây lan từ ao này sang ao khác, nên anh Vinh táo bạo tìm cách thay đổi xây dựng mô hình mới.
Để triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn, anh vận động bà con quanh vùng sang nhượng 10 ha đất. Với quỹ đất rộng, Vinh xây được 13 bể nuôi tôm thẻ chân trắng, tổng diện tích 2,6 ha. Hồ nuôi được thiết kế theo hình tròn, làm bằng bê tông, cốt thép được xây dựng khá vững chắc, có thể sử dụng đảm bảo vài chục năm.
Anh Nguyễn Văn Vinh đang kiểm tra quá trình phát triển con tôm.
Ứng dụng công nghệ 4.0 điều khiển hệ thống
Mô hình làm theo phương pháp 70% nổi 30% chìm, bên trong có những hệ thống tự động rất hiện đại. Phía trên được làm mái che bằng những tấm lưới phù hợp với độ che phủ ánh sáng và hạn chế được việc những con chim trời gắp tôm và thức ăn cho tôm.
Cụ thể, mỗi bể tròn nuôi tôm có diện tích 2.000 m2/bể, có thể chứa 4.000 m3 nước. Trong bể, người nuôi có thể lắp đặt máy sục khí, hệ thống dẫn và cấp thoát nước riêng biệt, làm lưới che giúp dễ dàng kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm.
Bên cạnh đó, mỗi bể nuôi cách nhau khoảng 6 m, có đường vận chuyển thức ăn vào, thuận tiện mỗi khi thu hoạch tôm. Trong bể còn có các hệ thống tự động như hệ thống cho ăn, máy quạt nước oxy đáy. Chỉ với chiếc điện thoại di động, người nuôi có thể dễ dàng điều khiển các hệ thống trong ao nuôi, kiểm tra các công việc một cách thuận tiện.
Cũng theo anh Vinh, mô hình nuôi tôm hình tròn còn có nhiều ưu điểm như tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí, bên cạnh đó còn hạn chế được dịch bệnh, tránh ảnh hưởng trực tiếp từ gió bão, tôm nhanh lớn, năng suất cao...
Người nuôi tôm theo mô hình này có thể chủ động được thời gian xuất bán, thu gom các chất thải nhanh và nuôi được nhiều vụ trong năm. Thời gian sử dụng các hệ thống trong mô hình nuôi cũng khá lâu, có thể lên đến hàng chục năm.
Ngoài ra, khoảng cách giữa các bể nuôi thông thoáng tạo môi trường trong lành giúp tôm phát triển nhanh, khả năng đề kháng các loại dịch bệnh cao nên sản lượng mỗi năm đạt 300 tấn. Những năm gần đây, dù nhiều hộ nuôi tôm gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng chưa có vụ nào anh Vinh gặp rủi ro. Nhìn thấy thành công bước đầu, anh Vinh đầu tư thêm 7 tỷ đồng xây 10 bể nuôi. Đến nay, anh Vinh sở hữu 23 bể nuôi tôm trong bằng xi măng, tổng diện tích 4,6 ha.
"Với mô hình này, người nuôi có thể dễ dàng kiểm soát lượng thức ăn cho tôm, tránh bị dư thừa lãng phí ra bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh lây lan trong môi trường nước, mầm bệnh và tảo độc được kiểm soát dễ dàng bằng chế phẩm sinh học.
Bên cạnh đó, việc quản lý ao nuôi cũng như duy trì ổn định các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, PH,… cũng được thực hiện dễ dàng. Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trong ao vẫn được đảm bảo nên tôm nuôi không bị sốc nhiệt", Vinh cho biết thêm.
Cho đến nay, mô hình nuôi tôm trong bể xi măng vẫn được nhiều hộ nuôi áp dụng và đạt được hiệu quả cao. Đây là mô hình cho kết quả tốt và có thể nhân rộng trong thời gian tới. Bên cạnh nuôi tôm thẻ chân trắng, các mô hình nuôi: tôm sú, tôm nước ngọt, tôm càng xanh trong bể xi măng cũng đã được nhiều bà con thử nghiệm, mở ra một hướng mới cho ngành nuôi trồng thủy sản hiện nay.