TIN THỦY SẢN

Nuôi tổng hợp thủy sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái

Nuôi ghép tổng hợp hướng đến bảo vệ môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: NT NT

Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tập trung chuyển giao các mô hình nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng kháng sinh, tạo được sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Qua đó góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái trên diện tích ao nuôi 01 ha của anh Trương Hữu Tâm, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, thức ăn, vôi, men vi sinh, chế phẩm sinh học và được hướng dẫn kỹ thuật trong cả quá trình nuôi.

Đây là mô hình nuôi tương đối phù hợp cho các hộ dân sống ven các đầm có cây ngập mặn. Nhiều hộ dân đã sử dụng có hiệu quả không gian của hệ sinh thái cây ngập mặn, giúp giảm được chi phí đầu tư và tận dụng diện tích mặt nước để kết hợp phát triển du lịch sinh thái bền vững. 

Trong các năm 2022 và 2023, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình nuôi ghép tổng hợp tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và xã Cát Minh (huyện Phù Cát),  hiệu quả mang lại khá tích cực. 

Đến nay, nhiều hộ dân vẫn duy trì mô hình này, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ dân khác tham quan học hỏi để cùng phát triển, bởi những nhiều ưu điểm như: tiết kiệm được chi phí thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi, môi trường nuôi được duy trì ổn định, hạn chế được thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cây ngập mặn sinh trưởng và phát triển tốt hơn,..

Tham gia mô hình, anh Tâm tiến hành thả 143.000 con giống tôm sú PL15, 1.000 con cá dìa giống kích cỡ 6 - 10 cm/con và 2.000 con cua xanh giống kích cỡ 2 - 2,5 cm/con. Sau khoảng 5 tháng nuôi, tôm, cua, cá sinh trưởng phát triển rất tốt, lớn nhanh, không xuất hiện bệnh. Tỷ lệ sống của tôm sú đạt 60%, cua xanh 40% và cá dìa 82%, kích cỡ thương phẩm tôm sú 20 g/con, cua xanh 250 g/com, cá dìa 300 g/con, ước tính tổng sản lượng đạt 1.773 kg (tôm sú 1.287 kg, cua xanh 200 kg, cá dìa 246 kg). Nhờ vậy lợi nhuận mang lại cho gia đình anh Tâm hơn 125 triệu đồng/ha.

Cua thương phẩm. Ảnh: NT

Anh Trương Hữu Tâm, chia sẻ: nuôi tổng hợp tôm, cua, cá thì dịch bệnh ít, mỗi năm lợi nhuận mang lại không bằng so với nuôi chuyên tôm nhưng bền vững, không phải lo thua lỗ do dịch bệnh. Do không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi nên tạo ra sản phẩm sạch, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. 

Nuôi ghép tổng hợp sẽ thu hoạch sản phẩm theo cách đánh tỉa thả bù, thu tỉa đối với những đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm, vì vậy việc thu hoạch có thể diễn ra quanh năm, phục vụ nhu cầu của thị trường. Đối với những du khách muốn đến đây trải nghiệm du lịch sinh thái, thì sẽ được đưa đón đến tận ao nuôi trải nghiệm cảnh sông nước, cây ngập mặn, chèo sup, tự tay thả lưới, câu cá. Sau đó chế biến, tận hưởng những sản phẩm vừa đánh bắt ngay trong ao nuôi.

Cá dìa thương phẩm. Ảnh: NT

Việc khai thác được tiềm năng, lợi thế của rừng ngập mặn gắn với nghề nuôi trồng thủy sản, sẽ tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, việc tạo ra các sản phẩm an toàn sẽ giúp người dân có cơ hội phát triển sản phẩm tôm sạch, tôm sinh thái, nâng cao thu nhập bền vững.

Hiện tại, Bình Định hiện có nhiều vùng nuôi có thể nhân rộng mô hình nuôi ghép tổng hợp, như các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận (huyện Tuy Phước), xã Cát Minh (huyện Phù Cát), xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) hoặc những vùng nuôi khác có cây ngập mặn bên trong ao hoạch xung quanh bờ ao. 

Khi rủi ro do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ngày càng gia tăng, mô hình nuôi ghép tổng hợp dưới tán cây ngập mặn kết hợp với phát triển du lịch sinh thái ngày càng khẳng định được tính bền vững, thân thiện và thích ứng với môi trường. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần có kế hoạch thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân để từng bước nhân rộng và phát triển mô hình này, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.

NT