Nuôi trai nhả ngọc giữa tứ bề núi non Tây Nguyên
Ít ai ngờ ở miền núi Tây Nguyên đầy nắng gió lại nuôi được trai nhả ngọc. Đây là chuyện có thật của một anh “gàn” ở huyện vùng sâu...
Theo “trai” bỏ nghề mộc
Những ngày đầu xuân năm mới, chúng tôi ngược nắng ngược gió đi gần trăm cây số về huyện thảo nguyên M’đrắk (Đắk Lắk) để “mục sở thị” khu vực nuôi trai nhả ngọc có một không hai của anh Nghiêm Quang Tuấn ở thị trấn trung tâm huyện.
Giữa tứ bề núi non phủ rì màu xanh của cây rừng là những ao nước trong veo cất giữ cả kho ngọc giá trị nằm sâu dưới đáy bùn. Nghề chính của anh Tuấn là làm mộc nhưng anh lại ưa tò mò, tìm hiểu khám phá cái mới. Năm 2015, anh tình cờ biết đến mô hình nuôi trai nhả ngọc ở vùng nước ngọt thuộc tỉnh Ninh Bình bèn khăn gói đi học. “Nhiều người bảo tôi là gã gàn khi đóng cửa xưởng mộc để theo đuổi một thứ rất viển vông. Nhưng tôi bỏ ngoài tai, quyết làm theo ý mình thích”, anh Tuấn chia sẻ.
Nửa năm “tầm sư học đạo” ở miền đất lạ, anh Tuấn đã nắm vững kỹ thuật cấy ghép ngọc và nuôi dưỡng con trai. Háo hức quay về quê thử nghiệm, anh Tuấn tiếp tục trả nhiều lần “học phí” mới đưa được mô hình nuôi trai lấy ngọc lên núi. Anh Tuấn kể: Sau khi khảo sát kỹ hệ thống ao hồ, chọn nơi có nguồn trong mát, ổn định, anh dồn tiền nhập một lần hai tấn trai đen cánh dẹp từ Ninh Bình về cấy ngọc nhưng vừa tới nơi trai đã mở miệng “cười” hết khiến anh khóc chấp nhận mất trắng 350 triệu đồng.
Không bỏ cuộc, anh vét hết số tiền trong túi mua tiếp một tấn trai mới. Lần này anh đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc xử lý, tránh trai giống bị chết vì sốc nhiệt. Sau khi nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe, anh lựa những con trai to, không bị dị tật tiến hành cấy nhân vào. Đây là công đoạn rất quan trọng quyết định đến sự thành-bại của nghề nuôi trai lấy ngọc, buộc anh phải tập trung cao độ, thao tác nhanh, chính xác không khác gì một bác sĩ phẫu thuật. Nếu làm không khéo, con trai dễ bị chết hay trai không ngậm nhân hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng. Túc trực theo dõi con trai ròng một tháng, anh mới thở phào nhẹ nhõm khi kiểm tra biết trai sống khỏe mạnh.
Anh Tuấn kiểm tra sức khỏe trai nuôi dưới ao
Giao vườn ao lại cho gia đình trông coi, Tuấn tiếp tục vác ba lô tìm về huyện Tân Phú (Đồng Nai) gặp lão nông Phan Xuân Hướng - người sở hữu bí quyết cho trai nhả ngọc theo ý muốn, rồi lại ngược về Ninh Bình tham quan các mô hình nuôi trai khác. Cuộc rong chơi, giao lưu với những bậc tiền bối trong nghề nuôi trai lấy ngọc ở vùng nước ngọt càng giúp anh có thêm kiến thức, kinh nghiệm và niềm tin vững chắc vào nghề. Cuối năm 2017, anh mừng vui khi thu hoạch được 400 viên ngọc với đủ sắc màu: trắng, tím, hồng ngọc, hồng, vàng... Từ thành công bước đầu, anh tiếp tục rót tiền đầu tư vào nghề kiến tạo nên dòng trang sức cao cấp. Công việc đầu tiên anh làm là nghiên cứu nhân giống nuôi loài trai cánh dẹp. Theo anh Tuấn, việc chuyển trai giống từ ngoài Bắc vào tiềm ẩn nhiều rủi ro do đường xa cộng với thời tiết thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, khả năng sinh ngọc của trai... Thêm nữa, khi mở rộng mô hình sẽ cần một lượng giống khá lớn nên việc nhân giống tại chỗ giúp anh chủ động, giảm chi phí đầu tư.
Bắt trai bản địa “đẻ” ngọc
Đang mải mê nhân giống trai Ninh Bình, anh Tuấn nhận được một món quà bất ngờ vào một ngày đẹp trời cuối năm 2018 - đó là một con trai bản địa to, mập hơn bàn tay người, bên trong có một hạt màu hồng rất cứng. Con trai này được một người dân trong vùng tình cờ nhặt được trong ao, mổ ra thấy hình thù kỳ lạ bèn mang tặng anh vì biết anh “gàn” này đang nghiên cứu về trai. Anh Tuấn cho hay: Thảo nguyên M’đrắk có nhiều ao nước tự nhiên nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao ngất. Dưới ao có nhiều con trai, cứ đến mùa nước rút, dân bắt cả bao tải về ăn. Bản thân anh đã từng đi khắp vùng tìm hiểu khả năng cho ngọc của loài trai tự nhiên nhưng chưa có kết quả. Nay được tặng, anh trân quý hơn cả báu vật vì đây không chỉ là viên ngọc hiếm có của tự nhiên mà còn giúp anh phần nào giải mã khả năng “đẻ” ngọc của trai bản địa.
Hiện tại, anh đang thử nghiệm việc lấy tế bào của trai bản địa ghép sang con trai đen cánh dẹp để phát triển ngọc nhanh và đẹp. Do lớp xà cừ trong con trai bản địa rất chắc và đẹp, điều này quyết định đến màu sắc giá trị của viên ngọc. Qua theo dõi bước đầu, con trai cấy ghép sinh trưởng tốt, tốc độ phủ ngọc nhanh, chất lượng ngọc sáng bóng. Song song với mô hình nuôi giống trai lai ghép, anh cũng bắt tay với nhiều nông hộ có sẵn diện tích ao nước đang thả cá thương phẩm ở các xã Krông Á, Cư M’ta, Ea Lai, Krông Jing và thị trấn M’Đrắk mở rộng mô hình nuôi trai lấy ngọc lên 13 ao với hơn 70 nghìn con trai đã được cấy 2-4 nhân ngọc/con.
Mới đây, hai người dân ở huyện Đắk Song (Đắk Nông) đến tham quan, đem một ít con trai đã cấy nhân về nuôi thử nghiệm. Hằng tuần, chủ ao thông báo tình hình thời tiết, kiểm tra khả năng sinh trưởng của con trai cho anh Tuấn. “Nghề nuôi trai nhả ngọc rất công phu, đòi hỏi kỹ thuật cao trong việc cấy nhân và chăm sóc. Trước khi nhân rộng tôi phải khảo sát, nuôi thử nghiệm nhiều lần mới dám đánh mẻ lớn. Chi phí đầu tư nuôi trai khá lớn, nếu vội vàng dễ gặp thất bại, trắng tay”, anh Tuấn kể .
Con trai chỉ ăn phù du, các loại rong tảo tự nhiên nên người nuôi không phải tốn chi phí thức ăn, ngoài ra con trai còn dọn sạch đáy ao bằng cách ăn thức ăn thừa của tôm, cá nên nguồn nước trong ao luôn trong xanh. Tuy vậy, người nuôi cũng cần thăm ao thường xuyên, theo dõi thời tiết để kịp thời xử lý khi có sự cố. Trai nuôi từ 2 năm trở lên có thể thu hoạch lấy ngọc, để càng để lâu ngọc càng lớn, đẹp và sáng bóng. Thị trường tiêu thụ mặt hàng này khá rộng, xuất được đi nước ngoài, có giá bán hấp dẫn; một viên ngọc dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/ viên, loại to, đẹp, màu sắc lung linh có giá từ 1 đến vài triệu đồng/viên.