TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản bền vững ở Tiên Yên

Người dân thôn Trường Tiến, xã Hải Lạng thu hoạch mẻ tôm thẻ chân trắng. Minh Hà

Để nuôi trồng thủy sản thực sự phát huy hiệu quả, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; nổi bật là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, tạo vùng sản xuất tập trung, tìm thị trường, bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Xã ven biển Đồng Rui là hội tụ đầy đủ các tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, trên địa bàn xã đã có rất nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Trong đó đáng chú ý là việc chuyển đổi từ phương thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp và chuyển đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng. Hiện trên địa bàn xã có trên 60 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Năm 2018 được đánh giá là một năm khởi sắc của xã trong phát triển kinh tế thủy sản, với tổng sản lượng đạt 819,8 tấn; trong đó khai thác 462,8 tấn, nuôi trồng 357 tấn; tổng giá trị sản xuất ngư nghiệp đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước. Hiện xã có 301,27ha nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản đang là một ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân nơi đây với mức thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/hộ nuôi/vụ.

Nhiều địa bàn có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, mặt nước, như Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải... cũng đã và đang đưa nuôi trồng thủy sản trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện, tổng sản lượng thủy sản năm 2018 của Tiên Yên đạt 7.300 tấn (tăng 5,1% so với năm 2017), trong đó sản lượng nuôi trồng 3.462 tấn; diện tích nuôi trồng 1.432ha (tăng 12,2% so với năm 2017). Ngành thủy sản đã và đang giải quyết công ăn việc làm cho 3.445 lao động, trong đó có 1.670 lao động có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.

Năm 2018, trạm biến áp 560KVA khu vực thôn Trường Tiến (xã Hải Lạng) được huyện hoàn thiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, đưa vào sử dụng, phục vụ cho việc nuôi tôm công nghiệp. Thay vì phải dùng máy phát điện như trước, 11 hộ nuôi tôm của xã đã có điện lưới ổn định để phát triển sản xuất. Vùng nuôi trồng thủy sản của xã còn được huyện xây dựng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, giúp các hộ dân yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp, tăng thu nhập và sản lượng cho đối tượng nuôi chủ lực của địa phương. Huyện cũng đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu như điện, đường ở các xã Đông Ngũ, Đông Hải, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển và ổn định nuôi trồng thủy sản.


Để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, Tiên Yên còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ thuật nuôi và phòng chống dịch bệnh cho các hộ nuôi. Tháng 10/2018, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tổ chức 2 lớp phổ biến kỹ thuật chăn nuôi thủy sản an toàn cho 100 học viên tại các xã Đông Ngũ, Đông Hải. Huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi  và Thú y (Sở NN&PTNT), UBND các xã Đông Hải, Đông Ngũ, Hải Lạng, Đồng Rui tổ chức 2 lớp tập huấn phòng, chống bệnh gan tụy, phân trắng trên động vật thủy sản...

Tiên Yên xác định tiếp tục khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, sản xuất theo hướng hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, dự kiến tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.100 tấn, trong đó nuôi trồng đạt trên 3.500 tấn; mở rộng quy mô nuôi thâm canh, bán thâm canh thêm 300ha tại các xã Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải, Đồng Rui... Huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là các vùng đã có quy hoạch chi tiết; tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Minh Hà Báo Quảng Ninh