TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản còn manh mún

Ảnh minh họa: Internet Nguyên Thủy

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bình Phước, ngày tái lập tỉnh Bình Phước, tổng diện tích ao, hồ nuôi cá trên địa bàn tỉnh chỉ có 354 ha với sản lượng khoảng hơn 1.000 tấn. Thời gian này, hình thức nuôi ghép là chủ yếu và kỹ thuật nuôi chỉ theo kinh nghiệm truyền thống nên sản lượng rất thấp. Sau này, cùng với sự phát triển các công trình thủy lợi, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản vào năm 2005 là 2.087 ha với sản lượng khoảng 3.820 tấn cá, tôm các loại, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo vùng nông thôn.

Chỉ 5 năm sau, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đã phát triển tốt hơn rất nhiều. Sản lượng cá, tôm các loại đủ cung ứng nhu cầu nội địa. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 là 2.294 ha, tăng 207 ha so với năm 2005. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 6.514 tấn, tăng 2.694 tấn. Dù Bình Phước không có thế mạnh về phát triển thủy sản như các tỉnh lân cận nhưng nhờ khai thác tốt diện tích bưng bàu, chuyển một phần diện tích trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang nuôi cá; đồng thời khai thác tối đa diện tích các hồ chứa nước để nuôi cá lồng bè nên ngành thủy sản của tỉnh phát triển với tốc độ khá cao, sản lượng thủy sản nuôi trồng rất lớn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng bữa ăn cho nhân dân trong tỉnh, nhất là những vùng sâu, xa.

Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh đưa vào vận hành, khai thác 66 công trình thủy lợi (tăng 12 công trình so với năm 2010). Trong đó có 59 hồ chứa. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, theo thống kê đến cuối năm 2015, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2.020 ha, giảm 4,4% (giảm 93 ha) so với năm 2010. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng là 5.150 tấn, giảm 19,4% (giảm 1.241 tấn) so với năm 2010. Theo phân tích của ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân khiến diện tích nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2011-2015 giảm là do lợi nhuận từ việc trồng cây cao su lớn, cộng thêm nghề nuôi thủy sản còn manh mún, nhỏ lẻ nên sản phẩm thủy sản thường bị thương lái ép giá. Do đó một số ao nuôi cạn nước vào mùa khô đã được người dân lấp dần để chuyển sang trồng cao su. Bên cạnh đó, một số khu vực nuôi ao thuộc huyện Chơn Thành do nguồn nước bị ảnh hưởng từ các khu công nghiệp phát triển nên một số hộ dân không còn nuôi cá nữa.

Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều nông hộ đầu tư nuôi các loại thủy sản chất lượng cao. Nguồn thủy sản cao cấp phục vụ các nhà hàng lớn trong tỉnh chủ yếu nhập về từ ngoài tỉnh, vừa không chủ động, giá thành cao vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Được biết thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp; phòng, chống lụt bão, hạn hán; vừa phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản tỉnh khắc phục tình trạng manh mún, chuyển mình thay đổi về chất.

Nguyên Thủy Báo Bình Phước, 11/08/2016