TIN THỦY SẢN

Nuôi trồng thủy sản giá trị kinh tế cao

Thu hoạch cá nuôi Đỗ Minh

Tận dụng lợi thế ao, hồ và ruộng trũng, Hà Nội đã tập trung phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao, bảo đảm chất lượng và thân thiện môi trường.

Hiện nay, mô hình nuôi cá “sông trong ao” không còn xa lạ với nông dân ngoại thành Hà Nội. Chia sẻ về mô hình này, ông Phan Nhân Lợi ở thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) cho hay: "Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội), gia đình tôi đã đào ao thực hiện mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Để thực hiện mô hình, diện tích "sông trong ao" tối thiểu phải là 3.600m2, mật độ cá thả nuôi khoảng 150 con/m2. Mô hình nuôi cá này có tỷ lệ sống cao, cá lớn đồng đều, tăng trưởng nhanh, cho thu nhập từ 220 đến 250 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với nuôi cá trong ao thông thường".

Phát huy tiềm năng này, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) cũng đã tạo điều kiện cho người dân địa phương chuyển đổi 2ha ruộng trũng để thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính Novit thả ghép với giống cá chép V1. Nhờ nuôi theo hướng an toàn, đúng quy trình từ việc xử lý môi trường, phòng bệnh có sự giám sát, kiểm soát nguồn thức ăn nên tỷ lệ cá sống cao, đạt 83%, trọng lượng cá khi thu hoạch đạt hơn 0,9kg/con. Sau khi trừ chi phí, trung bình người dân nuôi cá rô phi đơn tính lãi hơn 70 triệu đồng/ha/vụ.

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao, thân thiện môi trường và đang từng bước được nhân rộng, như: Nuôi ba ba thương phẩm ứng dụng phương pháp chọn lọc giới tính bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nuôi tôm càng xanh đực; nuôi cá chép theo hướng hữu cơ tại các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức...

Nhờ tích cực mở rộng diện tích, toàn thành phố đã có 21.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, một số vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn tập trung tại các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên…, thu hút sự tham gia của hơn 18.000 hộ gia đình, 23 hợp tác xã thủy sản và 17 cơ sở sản xuất con giống. Về đối tượng nuôi, ngoài các loại cá truyền thống như: Trắm cỏ, chép, trôi, mè, cá rô phi, một số nơi đã đưa vào nuôi một số loài thủy sản đặc sản như: Cá lăng, trắm đen, chép giòn... Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố được ứng dụng làm giàu ôxy bằng quạt nước là 4.200ha; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước hơn 600ha; sử dụng công nghệ Biofloc gần 12ha...

Theo tính toán, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thành phố đạt hơn 110.000 tấn/năm. Tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong định hướng đến năm 2020, thành phố cho phép xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 110ha tại huyện Mỹ Đức, 34ha tại huyện Ba Vì, 112ha tại huyện Ứng Hòa, 160ha tại huyện Chương Mỹ... Đồng thời, thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị, giống cá bố mẹ cho 2 cơ sở sản xuất giống cá rô phi với công suất 50 triệu con giống/năm. Cùng với đó, thành phố khuyến khích xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; quy hoạch và xây dựng hạ tầng các chợ đầu mối thủy sản để thúc đẩy kênh phân phối, giải quyết đầu ra cho người nuôi trồng thủy sản.

Qua tìm hiểu, nhiều địa phương cũng đã tạo điều kiện cho người dân khai thác hợp lý, chuyển đổi sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp và tận dụng mặt nước ao, hồ để đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao cả về năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các huyện cũng tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật nuôi đến chế biến thủy sản; phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái...

Đỗ Minh Báo Hà Nội Mới