Nuôi trồng thủy sản thay đổi để phát triển bền vững
Thời gian qua, việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè phát triển khá “nóng” ở nhiều vùng nuôi trong tỉnh Khánh Hòa. Việc người nuôi không tuân thủ các khuyến cáo về mật độ, giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi… khiến cho nguy cơ dịch bệnh đối với thủy sản rất lớn.
Những tồn tại
3 - 4 năm gần đây, không ít nông dân nuôi tôm hùm, cá bớp trên vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu phải chịu thiệt hại nặng khi các đối tượng nuôi bị chết. Mới đây nhất, tại các vùng nuôi tôm hùm lồng ở huyện Vạn Ninh xuất hiện tình trạng tôm hùm chết. Trong đó, hơn 20% tôm hùm chết do các loại bệnh như: bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, long đầu... Theo kết quả quan trắc, giám sát vùng nuôi, nguyên nhân là do ở các vùng nuôi này xuất hiện lượng vi khuẩn gây bệnh vượt ngưỡng cho phép; lượng chất hữu cơ trầm tích rất lớn. Những vấn đề này đều xuất phát từ việc người nuôi chưa tuân thủ các quy định, nhất là việc giữ gìn vệ sinh môi trường nuôi.
Trong lần khảo sát NTTS trên vịnh Cam Ranh mới đây, ông Kim Văn Tiêu - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Hiện nay, NTTS lồng bè tại Khánh Hòa và các tỉnh ven biển đang đối diện với nhiều thách thức. Nhiều vùng nuôi trên địa bàn Khánh Hòa đang phát triển khá nóng với số lượng lồng chìm, lồng nổi rất lớn; đặt quá nhiều, quá gần nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn, ngành thú y thủy sản địa phương không thể kiểm soát được dịch bệnh. Đơn cử tại vùng nuôi trên vịnh Cam Ranh, quy định lồng cách lồng tối thiểu phải 1m nhưng người nuôi đặt cách nhau chỉ 0,5m, trong khoảng cách đó, toàn bộ rác thải, xác cá chết… bám vào, đây là ổ vi khuẩn gây nên tình trạng lây bệnh đối với các đối tượng nuôi. Ngoài ra, qua khảo sát, toàn bộ thức ăn sử dụng cho tôm, cá nuôi đều là thức ăn tươi sống nhưng không có hộ nào khử trùng trước khi cho ăn; vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi cũng đáng báo động.
Tìm hiểu ở các vùng nuôi thủy sản lồng bè cho thấy, chỉ riêng việc sử dụng thuốc đối với thủy sản cũng còn bất cập. Cụ thể, cơ quan chuyên môn luôn khuyến cáo sử dụng thuốc bằng đường tiêm nhưng do tâm lý sợ ảnh hưởng đến thủy sản nuôi nên hầu hết nông dân trộn thuốc vào thức ăn. Ngoài ra, nhiều nông dân còn sử dụng các loại thuốc không nằm trong danh mục khuyến cáo, thậm chí khi tôm, cá bị bệnh, người nuôi còn mua kháng sinh dùng cho người để điều trị cho thủy sản nuôi… Riêng cách làm lồng hiện nay cũng rất lạc hậu. Toàn tỉnh hiện có hơn 54.000 lồng, trong đó tôm hùm chiếm đến hơn 40.600 lồng, đang nuôi ở 23 tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết lồng nuôi của người dân là lồng gỗ với kết cấu khá đơn giản, khó có thể chống chọi được với gió bão lớn. Ngoài ra, việc phát triển ồ ạt lồng bè nuôi thủy sản đã khiến cho nhiều vùng nuôi vượt ngưỡng, thậm chí những khu vực không phù hợp để nuôi cũng được người dân thả nuôi; điều này đã để lại nhiều hệ lụy về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại đối với hộ nuôi.
Cần tuân thủ quy định
Từ thực tế tại một trong những vùng nuôi tôm hùm ít dịch bệnh nhất toàn tỉnh, ông Diệp Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình (TP. Cam Ranh) chia sẻ: “Tại địa phương có 156 bè nổi, với 4.800 lồng nuôi. Những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm trên địa bàn xã phát triển ổn định, ít có hiện tượng dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao đối với các hộ nuôi. Thành công này có được là nhờ người dân đã chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường ở vùng nuôi. Bên cạnh đó, việc lựa chọn con giống, tổ chức nuôi ở những vùng nuôi được quy hoạch; kiến thức về phòng, trị bệnh cho thủy sản nuôi… đều được nông dân áp dụng triệt để. Hiện nay, địa phương đã thành lập 16 tổ tự quản nuôi tôm hùm, đây là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn môi trường nuôi tại địa phương. Kinh nghiệm của Cam Bình đang được một số địa phương khác triển khai”.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh đã có quy định cụ thể về địa điểm, thời gian nuôi; cơ sở vật chất, kỹ thuật nuôi; an toàn thực phẩm trong kỹ thuật nuôi… Riêng đối với thiết kế lồng bè phải có khả năng chịu được bão cấp 12, dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di dời. Vật liệu làm lồng, bè phải chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu môi trường sóng, gió và các chất khử trùng tiêu độc; khoảng cách tối thiểu giữa các bè là 50m; khuyến khích, ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE…
Theo ông Kim Văn Tiêu, để hạn chế dịch bệnh, rủi ro trong quá trình nuôi, nông dân NTTS ở Khánh Hòa cần sớm thay đổi nhận thức để nghề nuôi phát triển bền vững. Muốn vậy cần tổ chức lại sản xuất, tuân thủ các quy định, khuyến cáo về thiết kế, cách đặt lồng nuôi; sử dụng thức ăn, lựa chọn con giống; phòng, trị bệnh cho thủy sản; giữ gìn vệ sinh môi trường nuôi…