Nuôi Vẹm xanh giúp cải thiện môi trường vùng nuôi tôm hùm
Nuôi ghép các đối tượng nhuyễn thể trong vùng nuôi tôm hùm nhằm hấp thụ phần nào lượng các chất thải hữu cơ do quá trình nuôi tôm hùm gây ra, trong đó vẹm xanh là đối tượng nuôi có thể phát huy được khả năng đối với hình thức nuôi ghép này.
Trong quy hoạch và định hướng phát triển ngành thủy sản của tỉnh Phú Yên, tôm hùm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực trong cơ cấu sản xuất của tỉnh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm lồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, đã và đang gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi trầm trọng. Nguyên nhân chính là mật độ nuôi tôm quá dày, quá sức tải của môi trường; việc sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh còn chưa đúng phương pháp, dẫn đến nghề nuôi tôm hùm hiện nay còn nhiều rủi ro do nhiễm bệnh ngay tại vùng nuôi.
Để giải quyết vấn đề này, từ kinh nghiệm thực tế, bà con nuôi tôm hùm lồng đã có những biện pháp hữu hiệu, dễ thực hiện và có tính khả thi cao, đó là việc có thể nuôi ghép các đối tượng nhuyễn thể trong vùng nuôi tôm hùm nhằm hấp thụ phần nào lượng các chất thải hữu cơ do quá trình nuôi tôm hùm gây ra, trong đó vẹm xanh là đối tượng nuôi có thể phát huy được khả năng đối với hình thức nuôi ghép này.
Hình ảnh về kỹ thuật nuôi vẹm xanh.
Vẹm xanh thường sống ở các eo vịnh, vùng gần cửa sông, nơi có độ sâu 1-4m nước, có dòng nước chảy nhẹ, trong sạch, độ mặn thích hợp 15-32‰, có nhiều thực vật nổi. Vẹm có khả năng lọc nước mạnh, ở nhiệt độ bình thường một con vẹm cỡ 5-6cm có thể lọc được 3,6 lít nước trong một giờ, nguồn thức ăn chủ yếu là các loài tảo, thực vật phù du, mùn bã hữu cơ. Chính vì vậy mà vẹm xanh trở thành đối tượng nuôi ghép đầu tiên của bà con nông dân là nghề nuôi tôm Hùm ở tỉnh Phú Yên.
Ngoài ra, vẹm còn là loại thực phẩm có giá trị và được chiết xuất để làm dược liệu chữa bệnh. Thịt vẹm ngon, hàm lượng đạm và mỡ của vẹm tăng dần theo kích thước, vẹm có kích cỡ 1-3 cm thì lượng đạm 5,5%, mỡ 0,2%; cỡ 6-9cm, lượng đạm 6,8%, mỡ 0,37%. Các yếu tố vi lượng trong thịt vẹm cao gấp 10 lần so với thịt động vật máu nóng, thịt vẹm được ví như “trứng gà trong biển”.
Vẹm thường sinh sản và sống từ tự nhiên, bà con có thể lấy giống về sau đó nuôi treo trên các bè nuôi tôm hùm. Vật liệu lấy giống thường là dây cọ, dây dừa, dây rơm, dây cói… có chiều dài khoảng 1-2m, đường kính dây từ 0,5-1 cm, treo từng hàng tạo thành giàn bè nhỏ, mỗi hàng treo khoảng 200-300 dây. Lúc treo lấy giống không được để các dây lấy giống ngoắc vào nhau, giàn lấy giống không bị chìm xuống. Căn cứ vào mùa sinh sản của Vẹm, có thể treo dây lấy giống trước 1 tháng để mặt dây được phủ lên một lớp màng mỏng vi khuẩn và tảo hình sợi để tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng vẹm bám vào sinh sống; mùa vụ tuyến sinh dục cụa vẹm phát triển khoảng từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4, nên vẹm giống thường xuất hiện vào tháng 4-5 rất nhiều, nhất là ở đầm Nha Phu - Khánh Hòa.
Sau khi lấy được con giống vẹm, người nuôi có thể nuôi thương phẩm trên các bè nuôi tôm hùm bằng hình thức treo dây. Khi nuôi vẹm thương phẩm, người nuôi cũng dùng các loại dây như dây dừa, dây cỏ, dây lưới cước… nhưng có chiều dài và kích cỡ khác so với dây bắt vẹm giống; để nuôi vẹm thương phẩm, chiều dài của dây phải từ 1,5-3m và được kết từ 3-4 sợi dây đơn se lại để được chắc chắn, giúp vẹm bám dễ dàng. Vẹm giống cỡ 1-1,5cm thu được từ dây thu giống có thể tách ra, sau đó lấy lưới bọc dọc dây nuôi thương phẩm, sau khi vẹm đã bám lên dây nuôi thì tiến hành tháo bỏ lưới hoặc có thể cắt dây thu giống thành từng đoạn ngắn và cột lên dây nuôi thương phẩm; mật độ nuôi vẹm khoảng 400-700 con giống/m dây nuôi và tùy vào sức chịu đựng của bè, vì vẹm càng lớn thì độ nặng của dây càng tăng; dây nuôi vẹm được kiểm tra hàng ngày, đề phòng dây bị đứt do tác động của sóng, gió. Thời gian nuôi của vẹm thường sau 1 năm, lúc này vẹm đạt kích cỡ khoảng 83,7mm, nặng trung bình 31,5 g/con, vẹm thường tăng trưởng nhanh vào tháng 10 và đến tháng 3 năm sau thì thu hoạch.
Việc nuôi ghép vẹm xanh cùng với nuôi tôm vùm lồng của bà con nông dân đã mang lại hiệu quả cao không những về giá trị kinh tế mà còn phần nào giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay đối với ô nhiễm vùng nuôi. Đây là một giải pháp hữu hiệu cần được phổ biến, nhân rộng để nghề nuôi tôm vùm lồng phát triển bền vững và hiệu quả.