Ô nhiễm sông Sài Gòn ngày càng trầm trọng
Chỉ số lượng ô xy hòa tan (DO) trong nước rất thấp, các hàm lượng khác như amonia, mangan, vi sinh, chất rắn lơ lửng trong nước ngày càng cao cho thấy nguồn nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Báo cáo với Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TPHCM ngày 8-8, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết hàm lượng amonia trong nước sông Sài Gòn rất cao, có thời điểm lên đến 2 mg/lít, hàm lượng mangan cũng tăng cao.
Hiện trạng ô nhiễm hữu cơ trên sông Sài Gòn ngày càng trầm trọng hơn, thể hiện qua chỉ số ô xy hòa tan trong nước (DO) thấp hơn mức cho phép 2,5 lần chứng tỏ nước đang bị ô nhiễm. Hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nguồn nước sông Sài Gòn luôn vượt quy chuẩn quốc gia được thể hiện qua chỉ tiêu SS dao động khoảng 16 - 120 mg/lít.
Trong khi đó, theo Sawaco thì nguồn nước sông Đồng Nai cũng bị ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, hàm lượng vi sinh trong nước luôn cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng amonia nước sông Đồng Nai có thời điểm lên 1,8 mg/lít, cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Do chất lượng nguồn nước sông ngày càng xấu, Sawaco đang phải trang bị thêm các thiết bị châm hóa chất dự phòng, thay đổi công nghệ, ứng dụng các vật liệu lọc chuyên dụng để xử lý, nhằm đảm bảo chất lượng sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước cấp cho người dân thành phố.
Được biết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai đã được ngành cấp nước thành phố cảnh báo vài năm gần đây do hàng ngày con sông này phải tiếp nhận hàng trăm ngàn mét khối nước thải công nghiệp, sinh hoạt, chăn nuôi chưa qua xử lý.
Tuy nhiên, với số liệu khảo sát được Sawaco báo cáo hôm nay cho thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông vẫn chưa được cải thiện. Ô nhiễm đang gia tăng mà giải pháp hạn chế ô nhiễm lại quá chậm.
Sawaco cảnh báo nếu tình hình ô nhiễm và nhiễm mặn của các con sông vẫn tiếp tục tăng, vượt quá khả năng đầu tư công nghệ xử lý nước tại các nhà máy nước thì tình hình cấp nước sẽ rất khó khăn và không lường hết hậu quả nghiêm trọng.
Hiện sông Sài Gòn là nguồn nước cấp cho nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000 m3/ngày). Trong khi đó sông Đồng Nai là nơi cung cấp nước thô cho các nhà máy nước Thủ Đức (750.000 m3/ngày), BOO Thủ Đức (300.000 m3/ngày), Bình An (100.000 m3/ngày).