Ốc len hầm dừa
Ốc len sống tự nhiên ở môi trường nước mặn, thường có nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu. Vỏ ốc len cứng xoắn, có nhiều đường gân nhỏ xung quanh. Thịt ốc còn sống có màu đỏ, khi chế biến chuyển sang màu xanh ngọc thạch, vị giòn, thơm ngon...
Hằng năm khi mùa mưa đến, vào con nước rong, những bãi lài ở miệt biển bị chìm sâu dưới nước thì họ hàng nhà ốc len trồi đầu lên tìm gốc cây mắm, cây đước để đeo bám. Lợi dụng lúc này, người dân bơi xuồng sát theo những gốc cây là tha hồ bắt ốc. Ốc len hầm dừa là khoái khẩu nhất. Chọn những con ốc mập, có môi dày (môi là cái gờ ở miệng ốc), to cỡ ngón tay cái, đem ngâm với nước vo gạo một đêm cho ốc nhả hết tạp chất ra. Đầu bếp cũng có thể chế biến ốc ngay sau vài giờ ngâm với nước lạnh cùng vài trái ớt sừng chín đập giập. Sau đó ta rửa ốc lại lần nữa và dùng dao chặt bỏ khoảng 1/3 đuôi ốc để khi chế biến xong, dùng miệng hút phần thịt sẽ dễ dàng hơn. Vài tép sả đập dẹp, lót dưới đáy nồi rồi cho ốc vào. Dừa khô nạo chừng nửa trái, lấy nước cốt loãng cho vào xâm xấp với ốc bắc lên bếp khoảng 20 phút rồi nêm nếm muối, đường, bột ngọt... cho vừa khẩu vị, múc ra dĩa là xong.
Thực khách cầm con ốc len hầm dừa đưa lên miệng hút nhẹ, phần thịt ốc lọt thỏm vào miệng, chậm rãi nhai để thưởng thức cảm giác giòn, ngọt, béo hòa lẫn vị mằn mặn của muối biển lan tỏa khắp các giác quan. Dùng muỗng nhỏ múc miếng nước ốc len đưa lên húp một cái, người thưởng thức mới cảm nhận hết vị ngon của món ăn này.