Ông Cẩn thu nhập khá từ nuôi cá
Sau hơn 14 năm nuôi cá nước ngọt, đến nay, ông Cao Hồng Cẩn ở thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) đã làm chủ được kỹ thuật nuôi, phòng và chữa bệnh cho cá nước ngọt. Bình quân mỗi năm ông thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ nuôi cá, trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Xuất thân từ gia đình làm nông nghèo, sau khi xuất ngũ về lại quê nhà, bản thân ông bị thương tật mất 40% sức lao động, vợ ông cũng là thương binh hạng 4. Vì vậy, các công việc lao động nặng nhọc vợ chồng ông Cẩn không thể làm được. Thu nhập chính để trang trải cho cả gia đình chỉ trông vào mấy sào lúa nên kinh tế rất eo hẹp. Ông Cẩn kể: Hồi đó kinh tế gia đình quá khó khăn, bản thân lại không làm được việc nặng nên tôi phải trăn trở để tìm việc làm phù hợp. Năm 1997, khi phong trào nuôi tôm sú rộ lên, tôi cũng xuống Đông Tác (TP Tuy Hòa) mua đất, làm hồ để nuôi tôm. Được vài năm, tôm sú bắt đầu bị dịch bệnh, tôi thua lỗ nên phải bỏ nghề. Lúc bấy giờ, tôi quay về nhà, bắt đầu tìm tòi qua sách báo, học hỏi cách làm hồ để nuôi cá nước ngọt như các tỉnh trong miền Nam.
Sau khi lận lưng được ít kiến thức qua sách báo và nhờ những hộ nuôi trước truyền đạt, ông Cẩn chuyển sang nuôi cá nước ngọt. Theo ông Cẩn, tận dụng đất vườn nhà rộng, ông đào một hồ nuôi nho nhỏ và mua vài ký cá trê và cá tràu giống ở Phú Lâm về nuôi. Ban đầu vì kinh nghiệm chưa có, kỹ thuật cũng không nên gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc cho ăn đến cách thay nước…, ông đều không rành nên nhiều vụ nuôi gặp thất bại. Mặc dù vậy, ông Cẩn vẫn không nản mà càng chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm, cộng với trải nghiệm từ thực tế nuôi nên ông dần đúc kết được những kinh nghiệm, kỹ thuật riêng cho bản thân. Qua nhiều năm “ăn, ngủ” cùng cá nước ngọt, ông Cẩn đã dần hiểu được những tập tính riêng của từng loại cá, từng giai đoạn sinh trưởng của chúng và cách phòng bệnh cũng như “bắt” bệnh để điều trị cho cá…
“Khi con cá tràu còn nhỏ, mình phải thay nước mỗi ngày. Bởi giai đoạn này cá ăn chưa đúng bữa, mình cho thức ăn nhiều hơn để lúc nào trong ao cũng có mồi cho cá, nên nước dễ bị dơ, phải thay thường xuyên nếu không cá sẽ bệnh. Còn khi cá lớn hơn, mỗi ngày sẽ cho ăn hai lần, lượng thức ăn cho cá cũng được tính toán kỹ, đảm bảo cá sẽ ăn hết trong vòng 10-15 phút, giúp nguồn nước trong ao được sạch sẽ, thời gian thay nước hồ khoảng 3 ngày/lần. Riêng cá trê, thời gian thay nước lại dựa vào mùi của nước ao. Khi thấy nước ao chuyển màu và có mùi chua thì nên thay…”, ông Cẩn chia sẻ.
Nhờ chịu khó, đến nay, ông Cẩn đã mở rộng diện tích ao nuôi cá nước ngọt của gia đình lên 300m2, mỗi năm ông thả nuôi được hai vụ, mỗi vụ thả khoảng 7.000 con giống cá trê và cá tràu. Từ nuôi cá nước ngọt, mỗi năm ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Ông Cẩn cho hay: Ngoài những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá thì việc chủ động được nguồn thức ăn và đầu ra cho cá đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành bại của nghề nuôi. Qua hơn 14 năm nuôi cá, tôi đã có sẵn những mối hàng cố định. Khi tới vụ thu hoạch, bạn hàng sẽ tìm đến tận nhà để thu mua.
Hiện nay, ngoài nuôi cá nước ngọt, vợ chồng ông Cẩn còn trồng thêm 8 sào lúa, nuôi bò và nuôi gà đá. Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu nhập được khoảng 150 triệu đồng, đời sống gia đình rất ổn định.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân Tây Tạ Xuân Ngọc nhận xét: Mặc dù là thương binh, mất 40% sức lao động nhưng ông Cao Hồng Cẩn vẫn rất chịu khó học hỏi, lao động và làm chủ được kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Nhờ vậy, ông đã vượt qua khó khăn, trở thành hộ có thu nhập khá ở địa phương, xứng đáng với danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi do Hội Nông dân tỉnh trao tặng.