Phá giá cá tra XK: Đã thành bệnh nan y
Giá cá tra xuất khẩu sang EU hiện đã xuống khá thấp. Giá cá tra sang Mỹ cũng đang có nguy cơ giảm xuống. Nguyên nhân chính là do tình trạng bán phá giá của các doanh nghiệp đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Bệnh nan y
Thực ra, chuyện phá giá cá tra xuất khẩu không phải là mới, mà đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là mỗi khi các doanh nghiệp cá tra rủ nhau đi các hội chợ thủy sản quốc tế, đặc biệt là các hội chợ thủy sản ở châu Âu. Ở những hội chợ này, để giành được mối hàng, nhiều doanh nghiệp đã đua nhau giảm giá cá tra xuống. Hậu quả là cứ sau mỗi lần tham gia hội chợ quốc tế, giá cá tra Việt Nam không những không tăng lên, mà lại bị kéo giảm xuống.
Trước thực trạng đó, hơn 3 năm về trước, trước khi tham dự Hội chợ Thủy sản Châu Âu tổ chức ở Brussels (Bỉ), diễn ra từ 28-30/4/2009, VASEP đã phải nhóm họp 25 doanh nghiệp cá tra để cùng thống nhất rằng chỉ được chào bán tại hội chợ với mức giá sàn là 3 USD/kg cá tra. Khi họp hành đồng tâm nhất trí là vậy, nhưng đến khi kết thúc Hội chợ Brussels 2009, vẫn có những đơn hàng cá tra được một số doanh nghiệp Việt Nam ký với khách hàng châu Âu mà giá chỉ khoảng 2,4-2,6 USD/kg.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Trong năm nay, hai hội chợ thủy sản quốc tế lớn mà các doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia, đều tiếp tục diễn ra tình trạng bán phá giá. Tại Hội chợ Thủy sản Quốc tế Boston 2012 (Mỹ), một doanh nghiệp vừa thỏa thuận xong hợp đồng 20 container cá tra cho một khách hàng Mỹ, thì ngay lập tức thỏa thuận đã bị hủy bởi có doanh nghiệp Việt Nam khác chào giá thấp hơn. Ở Hội chợ Thủy sản Châu Âu – Brussels 2012 diễn ra hồi tháng 4 vừa rồi, một doanh nghiệp đã thỏa thuận được với nhà nhập khẩu châu Âu về lô hàng 20 container cá tra, giá 3,4 USD/kg. Doanh nghiệp đó cứ tưởng đã cầm chắc mối hàng trong tay. Nào ngờ đến ngày cuối của Hội chợ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đua nhau giảm giá chào bán cá tra xuống còn 3 USD/kg, thế là mối hàng vuột liền khỏi tay doanh nghiệp nói trên.
Rồi đến Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish 2012) vừa được tổ chức từ 26-28/6, trong khi giá cá tra xuất khẩu sang EU đang ở mức 2,6-2,7 USD/kg, thì có doanh nghiệp đã chào bán với giá chỉ còn 2,2 USD/kg. Nói chung, tình trạng phá giá cá tra của doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ thủy sản quốc tế đã trở thành một căn bệnh nan y, như lời của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), “Cứ mỗi lần tổ chức hội chợ hay tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế, các doanh nghiệp cá tra lại xôn xao chuyện bán phá giá”.
Doanh nghiệp chế biến cũng phá giá
Lâu nay, nhiều ý kiến vẫn cho rằng bán phá giá cá tra là các doanh nghiệp thương mại. Những doanh nghiệp này không đầu tư nhà máy mà chỉ mua đi bán lại. Do nguồn lực hạn chế, lại không có bạn hàng bền vững, nên khi tìm được người cần mua cá, nhiều doanh nghiệp thương mại sẵn sàng hạ giá bán xuống để ký được hợp đồng.
Tuy nhiên, chính nhiều doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có vùng nuôi cá tra cũng tham gia vào việc phá giá cá tra xuất khẩu. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, một nhà máy chế biến cá tra, nếu chỉ sản xuất được dưới 30 tấn/ngày thì không đủ để trả lương công nhân và các chi phí sản xuất khác, tức là không thể duy trì được sản xuất với sản lượng như thế. Muốn duy trì được sản xuất thì mỗi ngày nhà máy phải chế biến được ít nhất là 1 container loại 40 tấn trở lên. Mà để có đủ nguồn vốn thu mua nguyên liệu và chi phí sản xuất được ít nhất là 40 tấn, trong bối cảnh khó khăn về tiền bạc như hiện nay, nhiều nhà máy đã buộc phải giảm mạnh giá bán nhằm sớm bán được cá thành phẩm, lấy vốn quay vòng tiếp.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Cty Hùng Vương (Tiền Giang), cho hay, so với người nông dân nuôi cá tra, các doanh nghiệp chế biến tự đầu tư nuôi cá tra sẽ có giá thành thấp hơn nhiều. Bởi doanh nghiệp có thể được các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng thức ăn cá tra tận nơi với giá gốc mà không phải mua qua trung gian là các đại lý với giá đã bị đội lên nhiều như nông dân… Ông Minh ước tính, giá thành cá tra nguyên liệu do doanh nghiệp tổ chức nuôi thấp hơn tới 15-20% so với giá thành của nông dân. Theo nguồn tin từ một số doanh nghiệp cá tra, nhờ nắm lợi thế về giá thành, một số doanh nghiệp tự đầu tư vùng nuôi cá đã sẵn sàng phá giá thị trường vì khi bán với giá thấp hơn giá thành chế biến chung (được tính trên cơ sở giá cá tra nguyên liệu trong dân), những doanh nghiệp này vẫn có lợi nhuận một chút. Nhưng khi chỉ nghĩ tới “nồi cơm” của riêng mình, những doanh nghiệp này lại đang góp phần làm hại cả ngành cá tra.
Phải có giá sàn
Ông Trương Đình Hòe cho rằng giá xuất khẩu cá tra sang EU hiện đã xuống tới mức chạm đáy, thậm chí là dưới đáy, tức là đã ngang hoặc thấp hơn giá thành chế biến. Điều đáng nói là dù giá xuất khẩu đã xuống thấp tới mức như vậy, nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam chào hàng, nhiều nhà nhập khẩu EU vẫn không hồi đáp. Một phần là do thị trường EU hiện đang tiêu thụ rất chậm các sản phẩm thủy sản nói chung và cá tra nói riêng. Phần khác là bởi nhiều nhà nhập khẩu châu Âu đã bắt đầu thấy nản với con cá tra Việt Nam khi giá liên tục bị các nhà xuất khẩu hạ xuống.
Trong khi đó, vẫn có một số doanh nghiệp kiên trì chào bán cá tra vào thị trường EU với giá từ 3 USD/kg trở lên, và vẫn có được hợp đồng, dù không nhiều. Nguồn tin từ một số doanh nghiệp cá tra cho thấy, sở dĩ vẫn có nhà nhập khẩu EU chấp nhận mua cá tra Việt Nam với mức giá như trên, vì họ tin tưởng rằng sản phẩm cá tra của những doanh nghiệp vẫn kiên quyết giữ giá từ 3 USD/kg trở lên chắc chắn tốt hơn là cá tra của những doanh nghiệp luôn sẵn sàng hạ giá bán xuống thấp. Mặt khác, giá cá tra bán lẻ ở các siêu thị tại châu Âu hiện đang ở mức từ 10-13 USD/kg. Do đó, nếu nhập khẩu với từ 3 USD/kg trở lên hoặc cao hơn nữa, các nhà nhập khẩu vẫn có lợi nhuận khá . Từ đó, trong ngành cá tra, đang có những ý kiến cho rằng, nếu chơi trò phá giá, bán giá quá thấp mà vẫn rất khó kiếm được hợp đồng xuất sang EU, thì tại sao các doanh nghiệp không đồng lòng cùng giữ mức giá cao, từ 3 USD/kg trở lên.
Tuy nhiên, với “truyền thống” phá giá như lâu nay, rất khó để tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cùng đồng lòng với nhau, kể cả trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay. Vì thế, nhiều doanh nghiệp cá tra cho rằng phải sớm có một giá sàn cá tra xuất khẩu và cá tra nguyên liệu. Theo ông Trương Đình Hòe, nếu muốn đảm bảo chi phí sản xuất và một chút lợi nhuận cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay, giá 1 kg cá tra xuất khẩu sẽ không thể dưới 2,7-2,8 USD/kg. Vấn đề đặt ra là đã ban hành giá sàn thì phải có chế tài để các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, nếu không lại thất bại như những lần đưa ra giá sàn trước đây.
Ông Trương Đình Hòe: “Nếu doanh nghiệp nào bán cá tra với giá thấp hơn giá sàn, Nhà nước cần phải ra tay bằng cách bắt doanh nghiệp đó phải nộp khoản tiền chênh lệch âm giữa giá sàn với giá bán. Khoản tiền đó có thể sung vào một quỹ hỗ trợ phát triển cá tra chẳng hạn. Làm vậy, các doanh nghiệp mới không dám bán phá giá nữa”.