Phải truy xuất nguồn gốc tôm để ngành thủy sản bền vững
Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017, vừa được diễn ra tại Sóc Trăng ngày 23.3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị phải làm tốt việc kiểm soát chất lượng tôm ngay từ trong nước. Nếu những lô hàng nào bị cảnh báo dư lượng kháng sinh thì phải truy xuất nguồn gốc tận vùng nuôi hoặc doanh nghiệp.
Phải biết rõ nguồn gốc của con tôm
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, đến nay khu vực ĐBSCL đã thả nuôi 536.440 ha tôm, sản lượng ước đạt 39.419 tấn, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2016. Dù sản lượng có tăng nhưng so với khung mùa vụ thì diện tích xuống giống hiện rất chậm so với kế hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Việt Nam phải bắt tay làm lại từ đầu, giải quyết tận gốc những tồn tại của ngành tôm hiện nay, nếu muốn đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD vào năm 2025 như chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại kim ngạch xuất khẩu tôm bình quân mỗi năm chỉ đạt 3,1 tỉ USD, nhưng từ năm 2017, mỗi năm phấn đấu tăng thêm từ 9 - 12%, thì đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sẽ có thể đạt mốc 10 tỉ USD thì phải chấm dứt ngay tình trạng bơm, chích tạp chất vào tôm.
Thứ trưởng đề nghị phải làm tốt việc kiểm soát trong nước. Nếu những lô hàng nào bị cảnh báo dư lượng kháng sinh thì phải truy xuất nguồn gốc tận vùng nuôi hoặc doanh nghiệp.
Bà Quách Thị Thanh Bình, chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho rằng: Bộ NN&PTNT cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn việc cấp mã số cho từng vùng nuôi, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc.
“Nhưng trước mắt, để tự cứu mình, người nuôi phải nói không với những hóa chất kháng sinh cấm sử dụng” - bà Bình khuyến cáo.
Ông Quảng Trọng Thao, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Địa phương này đã cấp chứng nhận vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho một công ty chuyên nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu theo dây chuyền khép kín, chuẩn bị cho việc cấp chứng nhận vùng nuôi tôm an toàn sinh học.
Việc nuôi tôm an toàn sinh học là cực kỳ khó, nhưng khó mấy cũng phải làm nếu muốn xây dựng thương hiệu mạnh và duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.
Xử lý bảo kê, chấm dứt bơm tạp chất vào tôm
Đại diện Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến tôm nhỏ lẻ, đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín sản phẩm tôm Việt.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Chúng ta phải tạo ra sản phẩm tôm đáp ứng với nhu cầu thị trường, tức là tuyên chiến với nạn tiêm chích tạp chất vào tôm và dư lượng kháng sinh.
Theo đề án ngăn chặn bơm tạp chất vào tôm và dư lượng kháng sinh đã được Bộ NN&PTNT ban hành, đến hết năm 2018 sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các địa phương sản xuất tôm trọng điểm (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) và tiến tới chấm dứt trên phạm vi cả nước.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Vũ Văn Tám cho biết các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với lực lượng công an tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và sẽ công khai danh sách những cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo Thứ trưởng mỗi địa phương cũng cần nắm rõ những doanh nghiệp hay điểm bơm tạp chất tôm thì xử lý nghiêm, tránh tình trạng là những đơn vị này có sự bảo kê. Do đó các địa phương phải cần quyết liệt hơn nếu muốn bảo vệ uy tín và thương hiệu của con tôm Việt Nam nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung.