Phân biệt ngọc trai biển &nước ngọt (Kỳ 2).
Dưới đây là 7 điểm quan trọng cần ghi nhớ để bạn phân biệt rõ ràng giữa Ngọc trai biển và Ngọc trai nước ngọt.
1. Màu sắc ngọc
Ngọc trai biển có màu sắc, hình dáng tự nhiên, không qua xử lý, không mài dũa và mang đặc tính riêng biệt về màu sắc, kích thước của từng loài trai sinh sống theo vùng, như ngọc trai đen của Tahiti (Pháp), ngọc trai vàng kim South Sea của vùng biển Nam Thái Bình Dương, hay màu trắng, vàng kem, ánh hồng của ngọc Akoya.
Ngọc trai nước ngọt nguyên bản có gam màu sáng, tế bào xà cừ mềm, không bền màu, hình dáng không tròn, vì thế hầu như ngọc trai nước ngọt sau khi thu hoạch đều qua xử lý về màu sắc, hình dáng để có được viên ngọc trai nước ngọt hoàn hảo trước khi đưa ra thị trường. Đôi khi viên ngọc trai nước ngọt đã qua xử lý lại có ánh màu và hình dáng bắt mắt hơn cả ngọc trai biển trong khi giá trị của chúng đôi khi chênh nhau đến 10 lần, điều này làm nhiều người nhầm lẫn khi chọn mua ngọc trai biển, nhất là tại thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ngọc trai nước ngọt của Trung Quốc bán nhiều ở các lề đường tại đảo ngọc Phú Quốc.
Ngọc trai nước ngọt sau khi xử lý có nhiều màu sắc
Một số ngọc trai biển
2. Độ cứng
Ngọc trai biển có độ cứng xà cừ cao, từ 3.8 – 4.5 Moha (thước đo độ cứng Mohs dành cho quý kim và đá quý).
Trong khi đó ngọc trai nước ngọt chỉ đạt 1.8 Moha. Độ cứng thấp khiến chúng dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài làm ăn mòn lớp xà cừ hoặc bị bong tróc. Vì vậy ngọc trai nước ngọt có độ bền kém hơn nhiều so với ngọc trai biển. Tuổi thọ ngắn, màu sắc không tự nhiên với bề mặt được xử lý là những lý do quan trọng làm giảm giá trị của viên ngọc nước ngọt. Độ cứng thấp còn là lý do làm cho cấu tạo bề mặt ngọc không bóng sáng như ngọc trai biển.
Ngọc trai nước ngọt nhuộm màu bị tróc xà cừ
3. Độ dày xà cừ
Ngọc trai biển có một lớp phủ xà cừ từ 0.35mm đến 6mm, cụ thể:
• Lớp phủ xà cừ của ngọc trai Akoya Nhật Bản thường từ 0.35 đến 0.7mm
• Ngọc trai Tahiti độ dày xà cừ từ 1 đến 3mm (luật pháp Tahiti quy định tối thiểu là 0.8mm)
• Ngọc trai South Sea xà cừ dày từ 1.5 đến 6mm
Ngọc trai nước ngọt gần như hoàn toàn xà cừ. Lý do có sự khác biệt này là phôi tế bào không có nhân cứng chèn vào trong ngọc trai nước ngọt nhỏ hơn rất nhiều so với nhân cấy vào ngọc trai biển. Vì quá dày trên một mô cấy nhỏ và có độ cứng thấp nên lớp xà cừ này không bền, dễ bị hao mòn, bong tróc, tách lớp.
4. Độ bóng sáng
Được sinh tạo trong môi trường đại dương với vô số chủng loại vi sinh vật đa dạng cùng hàng trăm khoáng chất, ngọc trai biển hấp thụ nhiều dưỡng chất và tinh túy từ lòng biển, với thời gian nuôi cấy lâu năm, ngọc trai biển tạo lớp ngọc bóng loáng, phản chiếu ánh sáng rực rỡ từ sâu bên trong viên ngọc.
Trong khi đó, thức ăn đặc thù tại sông, hồ cùng giống trai tạo ngọc nước ngọt không thể tạo ra một nước ngọc đẹp như ngọc trai biển. Dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường khi đặt 2 loại ngọc cạnh nhau vì ngọc trai nước ngọt ít bóng, thậm chí là không bóng trên một số viên.
5. Hình dạng ngọc
Ngọc trai biển thường tròn, đều do được định hình qua nhân cấy từ trước.
Ngọc trai nước ngọt có nhiều hình dạng bất kỳ: oval, giọt lệ, hình nút, hình bầu dục, bán cầu. Những hạt hình tròn có giá cao hơn nhiều.
6. Kích thước ngọc
Ngọc trai biển được nuôi cấy trung bình 2 năm để cho ra một viên ngọc đạt chất lượng. Đặc biệt South Sea và Tahiti thời gian cấy có thể lên đến 4-5 năm, riêng ngọc Akoya mất khoảng 12-18 tháng. Vì thế kích cỡ viên ngọc biển có thể lên đến 23mm hoặc lớn hơn.
Thời gian nuôi cấy ngọc trai nước ngọt ngắn hơn nhiều. Trung bình vài tháng đã được đem khai thác, do đó kích thước ngọc nước ngọt nhỏ hơn, dao động từ 3mm - 12mm. Nuôi ngắn ngày cũng khiến chất lượng ngọc thấp. Chưa kế vì mục đích thương mại, nhiều nơi đã cấy quá nhiều phôi tế bào vào một con trai, khiến kích cỡ và chất lượng ngọc giảm đi đáng kể. Theo ghi nhận những năm gần đây, các xưởng nuôi cấy tại Trung Quốc đã cấy trung bình 40 – 50 phôi trên cơ thể một con trai để đạt sản lượng cao khi thu hoạch ngọc. Điều này đã khiến hàng loạt mẻ ngọc thu hoạch được từ Trung Quốc ngày càng giảm đi về chất lượng. Sản phẩm chất lượng trung bình và thấp tràn ngập thị trường mỗi năm, làm giảm đi niềm tin và hình ảnh của ngọc trai nước ngọt trong lòng khách hàng.
7. Giá bán
Điều kiện nuôi cấy khó khăn, sự khan hiếm của giống trai tạo ngọc, tỷ lệ tạo ngọc thành công thấp, đặc thù nuôi cấy và khí hậu khắc nghiệt của từng vùng miền, thời gian nuôi cấy lâu, đặc biệt ngọc trai biển là ngọc trai “thuần chất”, không bị tác động, xử lý hóa chất, giữ đúng ánh màu tự nhiên, nguyên thủy sinh tạo, được bao bọc bởi hàng triệu tế bào sống quanh nhân ngọc, nên giá trị ngọc trai biển rất cao và được liệt vào danh sách trang sức quý giá bậc nhất của thế giới. Những phụ nữ sành điệu, yêu thiên nhiên, muốn thể hiện địa vị, đẳng cấp, sự am hiểu và tinh tế luôn khát khao tìm kiếm đúng loại ngọc trai này để tôn vinh nét đẹp, sự quý phái cho bản thân dù giá của chúng không hề rẻ.
Trong khi đó, ngọc trai nước ngọt rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/10 giá trị ngọc trai biển vì ngọc trai nước ngọt không thể sánh bằng về vẻ đẹp bóng sáng bên ngoài, ánh rực rỡ phản chiếu từ bên trong, độ bền, màu sắc ngọc trai nước ngọt là màu đã qua xử lý hóa chất, làm chết các tế bào ngọc. Hơn thế nữa, việc chạy theo sản lượng nuôi cấy quá lớn của Trung Quốc đã khiến chất lượng ngọc nước ngọt ngày càng giảm, lũng đoạn thị trường ngọc trai thế giới, làm rối người tiêu dùng trong việc chọn lựa đúng cho mình một sản phẩm ngọc trai đúng nguồn gốc, đúng giá trị.
Thị trường ngọc trai Trung Quốc sản lượng lớn