Phát hiện thêm thủ phạm khiến mực nước biển tăng
Từ lâu, giới khoa học vẫn tin rằng hiện tượng tan chảy của các khối băng lớn là nguyên nhân khiến mực nước biển trên toàn cầu dâng cao.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học của Mỹ số ra ngày 16/5 lại cho thấy các dòng sông băng cũng là "thủ phạm" lớn, đóng góp tới 30% lượng nước biển gia tăng trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2009.
Sau khi phân tích các dữ liệu thu được từ vệ tinh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các số liệu đo được từ mặt đất, các nhà khoa học nhận thấy tốc độ tan chảy của các dòng sông băng cũng nhanh tương tự các khối băng lớn, đặc biệt tại Bắc Cực, Alaska, đảo băng Greenland cũng như phía Nam dãy núi Andes và Himalayas.
Theo báo cáo, trong giai đoạn trên, các dòng sông băng ở Greenland và Nam Cực có mức tan chảy trung bình khoảng 260 tỷ MT (đơn vị tấn dựa trên hệ mét, 1MT = 1.000kg), khiến mực nước biển dâng cao trung bình 0,7mm mỗi năm.
Theo ước tính của các chuyên gia, nếu tất cả các dòng sông băng trên thế giới tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao khoảng 6cm.
Trong khi đó, nếu tất cả các khối băng lớn của Greenland và Nam Cực tan chảy, mực nước biển gia tăng sẽ lần lượt là 0,6m và 6m.
Chuyên gia Tad Pfeffer thuộc trường Đại học Colorado (Mỹ) cho biết khối lượng tan chảy của các dòng sông băng trên thế giới toàn cầu không đáng kể so với các tảng băng khổng lồ, do đó giới khoa học thường đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của các dòng sông băng.
Theo ông Tad Pfeffer, mặc dù hiện tượng các dòng sông băng tan chảy chỉ xảy ra trong một hoặc hai thế kỷ, song cũng là nguyên nhân góp phần khiến mực nước biển dâng cao hơn./.