TIN THỦY SẢN

Phát triển Cà Mau thành vựa tôm lớn nhất vùng ĐBSCL

Nuôi tôm sạch công nghệ cao CP

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với công nghệ nuôi tôm sạch, hiện đại, hiệu quả cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian tới, Tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2016, tạo bước phát triển mới cho những năm tiếp theo.

Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược; tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, biển, phát triển rừng phòng hộ ven biển thích ứng biến đổi khí hậu; biến những khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu thành thời cơ, động lực thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa Cà Mau trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với công nghệ nuôi tôm sạch, hiện đại, hiệu quả cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, trong đó lưu ý trong quy hoạch cần tính toán, cân nhắc kỹ hiệu quả kinh tế giữa trồng lúa và nuôi trồng thủy sản, xác định rõ quy mô vùng trồng lúa để có phương án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, thay đổi quy trình canh tác, cơ cấu mùa vụ, giống, ứng dụng khoa học công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, vùng chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm cần làm rõ các loại hình nuôi công nghiệp, nuôi quảng canh để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ người dân và doanh nghiệp nuôi trồng có hiệu quả cao.

Tỉnh cũng phối hợp với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh tăng cường liên kết, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; tăng cường hợp tác giữa các địa phương sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực của vùng (lúa, trái cây, thủy hải sản) để hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; phát triển mạnh mẽ Khu Kinh tế Năm Căn.

Triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tăng cường thu hút doanh nghiệp trong nước và vốn FDI đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống thuỷ sản.

Tỉnh Cà Mau tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các cấp, bậc học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng y tế dự phòng, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Huy động các nguồn vốn xã hội để thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo.

Tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền kiến tạo, phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Giữ vững chủ quyền biển đảo và làm tốt công tác phòng chống buôn lậu trên biển; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

CP Nông Nghiệp Việt Nam, 21/10/2016