TIN THỦY SẢN

Phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn

Thị trấn Bình Minh (Kim Sơn) phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản Lã Vân

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản ở các huyện Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Tam Điệp.

Trong đó, huyện Kim Sơn được coi là vùng trọng điểm nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh. Lĩnh vực thủy sản phát triển, trở thành một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Là một trong những hộ nuôi thủy sản lâu năm ở thị trấn Bình Minh, hiện nay gia đình ông Bùi Văn Linh có 1 ha đầm nuôi tôm và cua. Ông Linh cho biết: “Với hình thức nuôi kết hợp này giúp cải thiện môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư và giảm sức lao động. Nếu thuận lợi, chỉ cần 1 ha nuôi thủy sản cũng sẽ giúp người nông dân có thu nhập đáng kể”.

Hiện nay, huyện Kim Sơn có trên 4.200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi nước lợ là trên 3.300 ha. Xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những hướng đi trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đặc biệt chú trọng vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để đào ao, cải tạo thành đầm nuôi thủy sản với các loại con nuôi như: Ngao; Cua xanh; Tôm thẻ chân trắng; Rong câu…Trong đó, tôm thẻ chân trắng là loại thủy sản với thời gian nuôi ngắn, trong vòng hai tháng là có thể thu hoạch đang được bà con nông dân tập trung đầu tư vì hiệu quả kinh tế mang lại.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã hình thành một số khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, trên ao nổi, nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn; sản xuất ngao giống, phù hợp, thích nghi với đặc điểm thời tiết khí hậu vùng ven biển, đặc biệt đã có trên 20 mô hình sản xuất thuỷ sản theo hướng áp dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ việc phát triển mô hình nuôi thủy sản đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nhiều gia đình vươn lên từ hộ nghèo trở thành khá giả góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện. Đây là điều đáng mừng, giúp bà con nơi đây yên tâm sản xuất.

Lã Vân nbtv.vn