TIN THỦY SẢN

Phát triển nghề nuôi cá giống nước ngọt ở Quảng Tân

Cá chép giống. Ảnh: Internet Minh Hà

Sản xuất cá giống đã trở thành một nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thủy sản ở xã Quảng Tân (Quảng Xương). Mô hình sản xuất, di ương cá giống ngày càng được nhân rộng, phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động, xã Quảng Tân đã trở thành nơi cung cấp cá giống cho các vùng nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh.

Gia đình anh Nguyễn Văn Loan ở thôn Tân Phúc là một trong những hộ nuôi cá giống tiêu biểu ở xã Quảng Tân. Trước đây, anh chỉ nuôi trong ao nhỏ của gia đình, năm 2006, anh Loan đã nhận thầu và mua thêm đất với tổng diện tích 5 ha. Trên diện tích này anh xây dựng 14 ao nuôi, trong đó có 4 ao nuôi cá bố mẹ, số còn lại là nuôi ươm các loại cá giống. Hiện nay, trang trại của gia đình anh Loan có khoảng trên 5 tấn cá giống bố mẹ các loại như cá rô phi đơn tính, chép, trắm, trôi, mè... Với nguồn cá bố mẹ này gia đình anh luôn dồi dào cá giống để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi năm gia đình anh Loan thu lãi  khoảng 400 triệu đồng từ nuôi cá giống, đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Xã Quảng Tân có 11 thôn, thì có tới 4 thôn gần như 100% người dân làm nghề nuôi cá giống. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 1.000 hộ tham gia nuôi cá giống, trong đó, có 7 trại  đầu tư nuôi giống gốc bố mẹ, còn lại các hộ chủ yếu nuôi ươm cá bột, cá phân tấc...  Theo các thương lái, cá giống của xã đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, một số tỉnh miền Nam và cả thị trường Lào. Mỗi năm cả xã sản xuất hàng trăm triệu cá giống các loại, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Xác định nuôi cá giống nước ngọt là một nghề truyền thống, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, tại 4 thôn có nghề, xã Quảng Tân đã quy hoạch, xây dựng các công trình thủy lợi đầu mối, như: Nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm; xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ cho sản xuất tại vùng nuôi thủy sản tập trung; tạo điều kiện cho các hộ nhận thầu đất để xây dựng trang trại. Đồng thời, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn vệ sinh môi trường ao nuôi; vận động các hộ nuôi thả đúng lịch thời vụ; thông báo cụ thể thời điểm lấy nước, tiêu nước để bà con nông dân chủ động kế hoạch đưa nước vào ao nuôi. Hiện nay ở mỗi làng nghề của các thôn đều có từ 150 đến 250 hộ nuôi cá giống tập trung. Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, các gia đình ở đây đã thành lập các tổ hợp tác tiêu thụ cá giống. 

Tuy nhiên, để Quảng Tân phát triển thủy sản bền vững, rất cần có sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Hiện Đảng ủy, UBND xã Quảng Tân đang tiếp tục quy hoạch, khuyến khích, huy động các hộ dân chuyển đổi diện tích ruộng chiêm trũng 1 vụ lúa sang nuôi trồng thủy sản; đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi, hệ thống giao thông, thủy lợi... từ đó, hoàn thiện hơn vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, cho biết: Nghề cá giống đầu tư ít, thu lợi gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa. Nhất là ở những diện tích nuôi ương hiện nay ở Quảng Tân là những vùng ruộng trũng được tận dụng để sản xuất. Người làm nghề đã chủ động được kỹ thuật nên rủi ro được hạn chế cao nhất.

Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề nuôi cá giống lâu năm đều có mức thu nhập khá và giàu. Với định hướng phát triển của địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, nghề nuôi cá giống nước ngọt ở Quảng Tân đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế. 

Minh Hà Báo Thanh Hóa