TIN THỦY SẢN

Phí đè nặng doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Trung Hiếu

Tại hội nghị về các biện pháp thay đổi chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức vào ngày 2.5 tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp cho biết xuất khẩu thủy sản đang phải chịu nhiều khoản phí không cần thiết.

Phí quá nhiều sẽ làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam

Thậm chí, trong khi vốn vay chịu lãi suất cao, thị trường xuất khẩu khó khăn thì việc phải gánh quá nhiều khoản phí đang đẩy doanh nghiệp thủy sản đến bờ vực phá sản.

Kiến nghị giảm phí cho doanh nghiệp

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục đưa ra bốn kiến nghị nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú nhất là kiến nghị cơ quan quản lý không nên áp dụng việc lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện cấp chứng thư xuất khẩu, mà thay vào đó nên dựa vào điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, việc kiểm tra từng lô hàng không còn phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp. Hiện một container hàng thủy sản xuất khẩu tốn từ 5-15 triệu đồng tiền phí kiểm nghiệm. Ước tính nhiều doanh nghiệp sẽ tốn số tiền khá lớn từ 1-4 tỉ đồng/năm cho hoạt động này .

“Nhưng lãng phí lớn nhất là doanh nghiệp phải tốn thêm 7-10 ngày cho mỗi lô hàng trước khi xuất khẩu. Điều này làm cho thủy sản Việt Nam có giá quá cao và khó có thể cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp”, ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, VASEP còn kiến nghị không nên yêu cầu doanh nghiệp phải có chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không yêu cầu. Kiểm soát kỹ chỉ tiêu kháng sinh ở khâu nuôi trồng, cung cấp nguyên liệu thay vì kiểm nghiệm lô hàng.

Theo doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, trong khi thế giới đang khuyến khích kiểm soát hệ thống (giám sát chặt từ khâu nuôi trồng, thu mua, sản xuất, chế biến… tạo thành một chuỗi liên kết) để giảm bớt việc kiểm tra lô hàng thì cơ quan chức năng trong nước chỉ lo tăng cường kiểm tra lô hàng mà lại bỏ quên giám sát hệ thống.

Cho nên việc kiểm tra chất lượng theo kiểu “chặn đầu ra” giống như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu chứ không phải kiểm để ngăn ngừa, xử lý trường hợp làm không tốt. Điều này dễ tạo ra lỗ hổng cho một số doanh nghiệp không tuân thủ quy trình mà chỉ tìm cách “chạy chọt”, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Nên phân loại doanh nghiệp

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cho hay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cục, vụ tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì việc kiểm tra từng lô hàng để giám sát chặt vấn đề chất lượng.

“Khi chúng tôi hỏi, nhiều chuyên gia nước ngoài đều cho rằng việc lấy mẫu kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên việc lấy mẫu nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cảnh báo của từng nước. Việc áp dụng kiểm tra lấy mẫu phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngay như nước tiên tiến như Singapore cũng áp dụng kiểm tra lấy mẫu”, ông Tiệp cho hay.

Cuộc họp nóng lên bởi tranh luận của Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp (trái) và Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũn

Tuy vậy, ý kiến này của ông Tiệp ngay lập tức bị Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng phản bác. Ông Dũng cho rằng Singapore xuất khẩu chưa bằng 1/20 của Việt Nam, do đó không nên lấy quy trình của Singapore áp dụng cho Việt Nam. Thay vào đó, NAFIQAD nên có sự phân loại: doanh nghiệp tốt bị kiểm tra ít, xấu bị kiểm tra nhiều, thậm chí doanh nghiệp làm ăn bậy bạ sẽ bị cắt quyền xuất khẩu.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tich VASEP, cho biết xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường. Do đó, để gỡ khó cho doanh nghiệp, đối với thị trường có yêu cầu thì cơ quan quản lý mới kiểm tra, còn thị trường không yêu cầu thì thôi.

Tại cuộc họp, đại diện NAFIQAD cho biết trong cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát  đã ký nhiều văn bản bãi bỏ một số thông tư liên quan đến việc kiểm soát chất lượng ở một số thị trường xuất khẩu chủ lực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Ma trận” phí
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng hiện nay, danh mục các khoản thu lệ phí kiểm nghiệm chất lượng, an toàn vệ sinh thủy sản xuất khẩu ngày càng tăng. Theo đó, có hàng trăm khoản thu liên quan đến kiểm tra các chỉ tiêu: cảm quan và vật lý, vi sinh, hóa học thông thường, hóa học đặc biệt, hóa học của nước... Mức thấp nhất của một lần kiểm tra là 10.000 đồng và cao nhất lên tới 600.000-700.000 đồng.
Tương tự, Quyết định 2864 do Bộ NN-PTNT ban hành ngày 24-11-2011 quy định kiểm tra chất lượng đối với hàng thủy xuất khẩu có tới hàng chục chỉ tiêu phải kiểm tra, áp dụng tùy theo thị trường xuất khẩu.

 

 

Trung Hiếu Báo Thanh Niên