TIN THỦY SẢN

Phòng, trị bệnh do nấm gây ra ở cá nước ngọt

Mùa lạnh cá thường dễ mắc bệnh nấm thủy mi.

Bệnh nấm thủy mi đã gây thiệt hại không nhỏ cho nghề nuôi cá nước ngọt ở nước ta. Nhất là vào mùa lạnh bà con cần có các biện pháp phòng, trị bệnh kịp thời, hiệu quả.

* Dấu hiệu bệnh lý do nấm gây ra ở cá nước ngọt

Trên da xuất hiện các vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm.

Sau vài ngày nấm phát triển mạnh, các sợi nấm đan chéo thành từng búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Cá có cảm giác ngứa ngáy, gầy và đen sậm đi, bệnh thường xảy ra ở cá rô phi, diêu hồng, nheo, lăng… đã bị tổn thương cơ thể.

Mùa phát bệnh thường vào mùa lạnh, nhiệt độ nước từ 18-25oC nấm phát triển mạnh nhất.

*Tác nhân gây bệnh: nấm thủy my

*Biện pháp phòng, trị bệnh do nấm gây ra ở cá nước ngọt

- Biện pháp phòng bệnh:

Cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi bằng cách vét bùn, tạt vôi diệt tạp từ 7 – 10kg/100m2 diện tích ao nuôi.

Tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh.

Cho cá ăn đầy đủ không để cá bị suy dinh dưỡng (thiếu ăn). Cho ăn đảm bảo 4 định: định lượng, định chất, định thời gian, định địa điểm.

Không nuôi mật độ quá cao. 

Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4g muối/lít nước.

Tránh làm sây sát cá do đánh bắt, vận chuyển.

Rắc vôi định kỳ xuống ao nuôi 2 lần/tháng và trước khi trời mưa từ 1.5 – 2kg/100m3 nước ao.

Tăng cường cho cá ăn vitamin C liều lượng 200 - 300g/100kg thức ăn

Nên treo túi vôi 2 – 4kg/túi quanh chỗ cho cá ăn1 tuần/ lần ở cá nuôi lồng và xử lý vôi nguồn nước ở cá nuôi ao vào mùa mưa.

Thường xuyên theo dõi màu nước ao nuôi và kiểm tra khả năng phản xạ cũng như bắt mồi của cá. Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay và cấp nước mới thường xuyên cho ao nuôi.

Vớt cá bệnh ra khỏi lồng bè, ao nuôi càng sớm càng tốt để tránh lây lan bệnh sang cá khỏe.

- Biện pháp trị bệnh:

Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp sau:

Tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO4), Formaline... Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Đưa thuốc trực tiếp xuống lồng bè, ao nuôi với nồng độ:

+ Dùng Methylen với liều lượng 2-3lít cho 1.000m3 nước ao nuôi và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.

+ Iodine với liều lượng 1 lít cho5.000m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1kg cho 3000m3nước ao.

+ Dùng 500 – 700g đồng sun phát (phèn xanh) cho 1.000m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi.

TTKNQN