Phóng xạ được phát hiện ở cá ngừ trên bờ biển California
Một nhóm các nhà khoa học ở trường đại học Stanford và Stony Brokk phát hiện ra rằng cá ngừ vây xanh (Thunnus thynnus) được đánh bắt từ bờ biển California có mức độ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản tương đối cao.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), các nhà nghiên cứu cho rằng mức độ ô nhiễm này không gây nguy hại đến sức khỏe của người dân. Họ đã phân tích 15 mẫu cá ngừ được khai thác trên bờ biển California tháng 8 năm 2011 và đem so sánh mức độ đồng vị phóng xạ với cá ngừ khác được đánh bắt cách đây 3 năm.
Kết quả phân tích rõ ràng phản ánh cá ngừ vây xanh đã bị nhiễm các hạt phóng xạ từ vùng Fukushima. Báo El Mundo cho rằng mức Cs(cesium) -134 và Cs- 137 phát hiện trong cá ngừ ở Thái Bình Dương cao gấp 10 lần so mức Cs từ các mẫu cá ngừ khác năm 2008. Dù sao, tổng mức phóng xạ - khoảng 10 becquerel (Bq)/ kg cá thấp hơn nhiều so với mức tối đa được phép cho con người. Theo quy định quốc gia, mức phóng xạ cho phép làtừ 2.000-4.000 Bq/kg.
Các nhà khoa học, dẫn đầu bởi Daniel Madigan, một nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford cho rằng "vì cá ngừ vây xanh chủ yếu được khai thác ỏ bờ phía đông Thái Bình Dương là phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của con người nên khả năng ô nhiễm phóng xạ ở cá là mối quan tâm hàng đầu của công chúng." Họ còn cho rằng: "Nồng độ của phóng xạ Cs trong cá ngừ Thái Bình Dương ở dưới một bậc so với mức an toàn cho phép, mức này gần đây đã được thay đổi ở Nhật Bản là 100 Bq/kg,"
Theo BBC, phóng xạ Cs không lắng nhanh trong nước, do đó cá có thể bơi qua nó và bị ô nhiễm trong quá trình này.