TIN THỦY SẢN

Phú Thọ: Khó khăn phát triển nghề nuôi cá lồng ở Tam Nông

Phát triển nghề nuôi cá lồng sẽ góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng thủy sản của toàn tỉnh, thực hiện tốt chương trình kinh tế trọng điểm về thủy sản. - Với 5 lồng cá, chủ yếu là nuôi cá lăng chấm, năm vừa qua, gia đình anh Vũ Văn Hợp ở xã Quang Húc, Hùng Cường

Anh Vũ Văn Hợp ở khu 5 xã Quang Húc, huyện Tam Nông, chủ của 5 lồng cá cho biết: Sau vài năm nuôi thả cá ở ao, hồ chưa thực sự đạt được hiệu quả cao.

Địa phận xã có con sông Bứa chảy qua lại cũng nghe nói đến nghề nuôi cá lồng nhưng tôi cũng chưa dám thử vì không biết kỹ thuật. Sau đó, tôi được một người bạn giới thiệu về Hải Dương, Hòa Bình học kinh nghiệm nuôi cá lồng. Khi nghe họ hướng dẫn cách nuôi, sản lượng thu hàng năm, tôi nhận thấy mình cũng có thể làm được. Sau đó, tôi lại được Chi cục Thủy sản đề nghị tham gia mô hình nuôi cá lồng mới, hướng dẫn kỹ thuật… nên tôi quyết tâm đầu tư vào nghề này.

Hiện nay, anh Hợp đầu tư nuôi 5 lồng cá gồm cá lăng và cá rô phi đơn tính, trong đó có 4 lồng cá lăng với tổng số 10.000 con giống. Chi phí để làm 5 chiếc lồng kiểu mới (không làm bằng tre nứa như truyền thống mà làm lồng bằng khung sắt, quây lưới, kích thước 6m x 6m x 3m)hết hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khó khăn trong việc phát triển cá lồng là rất lớn. Chỉ tính riêng chi phí đầu tư vào thức ăn công nghiệp đã chiếm một khoản không nhỏ. Hiện trên thị trường giá cám vào khoảng 525.000 đồng/bao 25kg. Bình quân mỗi tháng, 5 lồng cá của anh Hợp tiêu thụ hết khoảng 150 - 160 bao cám/tháng (trên dưới 80 triệu đồng/tháng, gần 1 tỷ đồng/năm). Như vậy, nếu người nuôi không có nguồn vốn lớn thì nuôi cá lồng không dễ chút nào. Nếu như nuôi cá lồng bằng các loại thức ăn truyền thống như cỏ, phụ phẩm nông nghiệp thì bình quân khoảng 40kg các loại thức ăn nói trên mới đạt được 1kg cá thương phẩm còn nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì 1,8kg cám sẽ được 1kg cá. Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, phụ phẩm nông nghiệp hiện nay để phục vụ chăn nuôi gia súc vẫn còn chưa đủ nên không dư dả để nuôi thả cá. Anh Hiệp, kỹ sư của Chi cục Thủy sản đánh giá: Nuôi cá lồng sử dụng cám công nghiệp như hiện nay, có thời gian cách ly hợp lý thì đây là sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu “sạch” của người tiêu dùng. Các loại cá cao cấp như cá lăng, trắm đen… đều được thị trường ưa chuộng, bán được giá nên người nuôi vẫn có lãi.

Không chỉ lo chi phí đầu tư cao, người nuôi cá lồng hiện nay ở trên địa bàn tỉnh chưa có kinh nghiệm về việc phòng chống bệnh cho cá nên nhiều khi dính phải thiệt hại không đáng có. Anh Nguyễn Minh Đăng cũng ở khu 4 xã Quang Húc đã có 4 lồng nuôi cá chép chết sạch sau gần 3 tháng mà không rõ bệnh gì, thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng. Theo anh, hiện nay người nuôi cá lồng rất cần được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho cá bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn đầu tư. Theo một số hộ hiện đang nuôi cá lồng ở xã Quang Húc, bệnh thường gặp nhất ở cá là bệnh nấm ngoài da và rất dễ lây lan trên diện rộng. Tuy vậy khi người nuôi thủy sản phát hiện cá bị bệnh nhưng không có sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng, tại chỗ để điều trị kịp thời. Vì hầu hết ở các phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện hiện nay chủ yếu là kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, rất hiếm kỹ sư thủy sản.

Những hộ nuôi cá lồng dọc theo sông Bứa đang rất cần các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về chất lượng nước sông để xem phù hợp với các loại cá nào bởi có một số loại cá nuôi thả ở đây chỉ được một thời gian là chết. Ông Nguyễn Huy Dương, khu 4 xã Quang Húc cho biết thêm: Không hiểu sao nguồn nước sông Bứa nuôi cá chép, cá mè lớn rất nhanh nhưng chỉ được 3 tháng thì bất kể cá lớn, cá nhỏ đều chết trong khi các loại cá khác lại không việc gì. Đầu năm 2012, tôi nuôi 2 lồng cá chép, 1 lồng cá mè được đúng 3 tháng thì chết. Không riêng tôi mà một số hộ đã thử nuôi vài lần nhưng đều xảy ra tình trạng trên.

Bên cạnh đó, nguồn nước thải của Công ty cổ phẩn sắn Sơn Sơn đóng trên địa bàn khi xả thải cũng khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối khiến người dân xung quanh thường xuyên phải đóng cửa “cố thủ 24/24”, cá sông chết trắng cả một vùng. Không nói đến những xã đầu nguồn,  những năm trước, khi lượng nước thải, mặc dù đã bị pha loãng trong quá trình lưu thông, khi chảy về đến xã Quang Húc cũng vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ, nhiều lần làm cá của các hộ nuôi trên sông chết hàng loạt. Do đó, doanh nghiệp cần có các biện pháp xử lý chất độc của sắn triệt để trước khi xả ra môi trường tự nhiên. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo mọi quy định về an toàn đối với môi trường khi sản xuất, tránh làm ảnh hưởng đến người dân và người nuôi thủy sản.

Hiện nay, người nuôi cá lồng chủ yếu hướng vào nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi, rô phi đơn tính… Nếu đầu tư nuôi thâm canh với mật độ cao, chăm sóc và phòng bệnh tốt, mỗi lồng cá có thể cho thu từ 4 - 5tấn/lồng/vụ. Theo những người nuôi, sản lượng này vẫn còn khá thấp bởi ở những tỉnh có truyền thống, kinh nghiệm nuôi cá lồng có thể đạt năng suất 8 – 10 tấn/lồng/vụ (tùy theo loại cá). 

Đối với cá lăng, nuôi khoảng 15 – 16 tháng có thể xuất bán (cá có trọng lượng từ 2,2 đến trên 3kg), giá bán giao tại chỗ hiện nay dao động từ 220.000 đến 250.000 đồng/kg; cá trắm đen nuôi khoảng  9 – 10 tháng có thể xuất (trọng lượng từ 3 kg trở lên), giá bình quân khoảng 130.000 – 150.000 đồng/kg. Các loại cá khác thì khoảng 6 – 8 tháng là có thể xuất bán, với mức giá bình quân khoảng từ 30.000 – 50.000 đồng/kg (tùy loại cá). Đối với các loại cá như cá lăng, cá trắm đen mỗi lồng có thể thu lãi từ 90 đến hơn 100 triệu đồng/năm; các loại khác cũng có lãi khoảng 30 đến 35 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những khó khăn, nghề nuôi cá lồng cũng có nhiều thuận lợi so với nuôi cá trên hồ, đập tự nhiên như dễ quản lý, bảo vệ, chăm sóc, thu hoạch…Nghề nuôi cá lồng cũng mang lại lợi nhuận rất cao so với nhiều nghề khác. Để nghề nuôi cá lồng thực sự phát triển, góp phần đáng kể vào việc tăng sản lượng thủy sản của tỉnh thì người nuôi cá và cán bộ kỹ thuật thủy sản luôn mong muốn có các chính sách hỗ trợ phát triển cá lồng; quy hoạch vùng nuôi, quản lý nguồn nước, tăng cường cán bộ kỹ thuật, nhất là kỹ sư thú y chuyên về thủy sản; mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh thủy sản; tạo điều kiện cho người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp…

Hùng Cường Phú Thọ Online