Phú Thọ: Nâng cao năng suất, giá trị ngành thủy sản
Diện tích nuôi thủy sản trên toàn tỉnh Phú Thọ là 10.200ha, trong đó nuôi thâm canh 1.760ha; bán thâm canh 3.500ha; nuôi tận dụng ở các hồ chứa, ruộng 1 vụ 4.850ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt trên 36 nghìn tấn, tăng 225% so với năm 2008.
Có được kết quả trên là nhờ người dân từng bước thay đổi tư duy, hình thức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình nuôi.
Bắt đầu từ năm 2010, người dân đã sử dụng quy trình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thay thế quy trình nuôi truyền thống tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp như, rơm rạ, cỏ, cám gạo… nhằm giảm công sức, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đến nay, trung bình, mỗi năm lượng thức ăn công nghiệp sử dụng vào nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 tấn. Trong quá trình nuôi, người dân không còn tư tưởng “phó mặc” cho tự nhiên mà chú trọng đến việc phòng chống dịch bệnh. Từ đó, hệ thống dịch vụ cung ứng thức ăn công nghiệp, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, ngư cụ phục vụ hoạt động nuôi thủy sản đã phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 33 đại lý thức ăn thủy sản, 3 đại lý thuốc thủy sản, 2 đại lý ngư cụ…
Phát triển thủy sản theo quy trình sản xuất an toàn là một xu thế tất yếu nhằm tạo nên các sản phẩm đảm bảo chất tượng, có giá trị kinh tế cao. Theo đó, các hộ nuôi phải chú trọng đến tất cả các khâu trong sản xuất như lựa chọn con giống, xây dựng chế độ ăn hàng ngày, thời gian cách ly hợp lý sau khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh, trọng lượng cá, thời gian xuất cá đạt theo tiêu chuẩn. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 74 bè cá; 21 hộ và nhóm hộ nuôi cá lồng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản lượng thủy sản có đầu ra ổn định đã chiếm 30% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh.
Thay đổi cơ cấu giống thủy sản cũng được xem là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng thủy sản. Từ các loại giống truyền thống, người dân chuyển sang nuôi các giống có giá trị kinh tế cao như cá lăng, bống, nheo, chạch…
Cơ cấu giống thủy sản có giá trị kinh tế cao ngày càng chiếm ưu thế với tỷ lệ khoảng 39%. Để chủ động nguồn giống thủy sản, các cơ sở sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất để tăng tỷ lệ sống, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện, toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất giống cá bột gồm: Công ty cổ phần cá giống sông Thao (Cẩm Khê); Công ty TNHH nông lâm sản Thanh Hà (Thanh Ba); Công ty TNHH Lâm Hoàng, cơ sở sản xuất giống Nguyễn Đình Hải (Yên Lập) và 9 khu ương nuôi tập trung với quy mô trên 213ha phân bố ở các huyện, thành, thị. Hàng năm, các cơ sở sản xuất giống cung ứng ra thị trường trên 4 tỷ con cá giống các loại, đáp ứng 100% cá giống truyền thống và khoảng 40% nhu cầu cá đặc sản, cá giống mới.
Nhiều năm nay, nghề nuôi cá lồng ở các xã Bảo Yên, Xuân Lộc, Đoan Hạ huyện Thanh Thủy tương đối phát triển và trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương nhưng, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, 2 năm gần đây, người nuôi cá lồng trên sông Đà đã nhiều lần đứng ngồi không yên khi thì xả lũ, khi thì nước sông cạn. Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Thủy cho biết: “Nuôi cá lồng cần vốn đầu tư lớn, do vậy, sau khi gặp sự cố, mỗi hộ thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng khiến cho nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu vốn tái đàn mới. Huyện tạo điều kiện cho các hộ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế để tạo động lực, giúp họ vượt qua khó khăn; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh, cách phòng chống dịch bệnh, lựa chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín, thay đổi cơ cấu và kích thước con giống để rút ngắn thời gian nuôi, giúp thu hoạch cá trước mùa mưa bão”.
Gia đình ông Dương Tiến Dũng ở khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy sử dụng thức ăn công nghiệp trong danh mục cho phép để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lồng.
Từ kinh nghiệm thực tế, thời vụ thu hoạch cá lồng ở Thanh Thủy đã bắt đầu sớm hơn so với trước đây. Thời điểm này, người dân bắt đầu thu hoạch chọn lọc những con to, đạt chất lượng bán trước để giảm mật độ cá duy trì từ 2.000 - 3.000 con/lồng. Ông Dương Tiến Dũng ở khu 5, xã Xuân Lộc cho biết: “Gia đình tôi có 17 lồng, trước đây chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản như cá nheo Mỹ, tầm, quất là các loại thuộc dòng cá da trơn, có giá trị kinh tế cao gấp 2 lần so với thủy sản truyền thống. Song, sau 2 lần gặp sự cố xả lũ vào năm 2017, 2018 tôi nhận thấy những giống cá này không chống chịu được với hoạt động xả lũ, cá nhanh chết nên tôi chuyển sang nuôi cá trắm, chép, diêu hồng, rô phi… Cùng với đó, tôi thay đổi kích thước giống thủy sản, sử dụng các giống lớn có trọng lượng từ 0,7 - 1kg để rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế thiệt hại do mưa bão”.
Cẩm Khê là địa phương có diện tích đồng chiêm trũng tương đối lớn, thuận lợi cho việc hình thành trang trại và khu nuôi tập trung. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn phát triển các loại thủy sản có giá trị theo nhu cầu thị trường, tập trung vào các giống mới, giống đặc sản. Đến nay, toàn huyện có 11 trang trại thủy sản đã được công nhận, trong đó nhiều trang trại, tổ hợp tác chú trọng phát triển nuôi tôm càng xanh, nâng tổng diện tích đạt khoảng 50ha, tập trung các xã Văn Khúc, Chương Xá, Sơn Tình… cho thu nhập bình quân trên 200 triệu/ha/năm.
Sự phát triển của ngành nuôi thủy sản đã góp phần thay đổi hình thức sản xuất, người dân không còn hoạt động đơn lẻ, quy mô nhỏ thay vào đó là hình thành các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, khu nuôi tập trung quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 141 trang trại, 12 hợp tác xã, 5 doanh nghiệp và 48 khu nuôi tập trung.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản khẳng định: “Muốn ngành thủy sản phát triển hiệu quả, đòi hỏi cơ sở vật chất hạ tầng phải đồng bộ, các ao hồ phải được quy hoạch, phát triển theo vùng với các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 dự án đầu tư trong đó có 2 dự án hạ tầng sản xuất giống, 9 dự án hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản tập trung đã góp phần hình thành nên các khu nuôi thủy sản tập trung với quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao”.
Mặc dù sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt trội song vẫn còn nhiều khó khăn bởi khí hậu diễn biến thất thường, dịch bệnh trên đàn cá nuôi ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng; tư duy sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, chưa chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu đã hình thành song còn lỏng lẻo, chưa khép kín nên sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, dẫn đến thị trường tiêu thụ không ổn định. Hy vọng rằng, thời gian tới với những định hướng, giải pháp phát triển cụ thể, các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở nuôi cá lồng ngày càng đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm ngành thủy sản.