Phú Thọ thơm hương dược liệu
Có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng cây dược liệu, những năm gần đây, người dân xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa các giống cây dược liệu cho thu nhập cao như sả, nghệ, hoài sơn… vào trồng tại đồng đất quê nhà.
Những ngày cuối năm, không khí sản xuất ở Mỹ Lung càng thêm nhộn nhịp. Chuyển những bó lá sả xanh mướt còn đọng những hạt sương từ trên xe xuống lò chưng cất tinh dầu sả ở khu 5, đảng viên trẻ, ông chủ lò chưng cất tinh dầu sả duy nhất của xã Đinh Hùng Vĩ vui vẻ nói với chúng tôi: Khi mới đưa cây sả về trồng thử nghiệm tại ruộng đất gia đình, tôi cũng lo lắng không biết có phù hợp với chất đất hay không, sau vài lứa thu hoạch lá, nhìn thấy hiệu quả, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng sả bán lá cho tôi. Sản phẩm tinh dầu sả của gia đình hiện được nhiều nơi biết đến, tuy nhiên do diện tích trồng sả của xã còn ít nên tôi vẫn phải đi mua lá sả ở nơi khác về chưng cất.
Bắt đầu đưa cây sả về trồng tại xã từ năm 2018, lúc đầu chỉ có 20 hộ tham gia với diện tích 3ha, đến nay toàn xã đã có hơn 30 hộ trồng cây dược liệu với diện tích 6ha.“Trồng sả vốn đầu tư không lớn, cứ 45 ngày cắt lá bán 1 lần, vòng đời của cây sả 9 năm nên thu nhập cao hơn trồng các loại cây hoa màu khác”, bà Sa Thị Huyền Trang, hộ trồng sả tại khu 9 cho biết.
Năm 2018, Đảng ủy xã Mỹ Lung ban hành Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó đề ra mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Năm đầu thực hiện nghị quyết, xã chuyển đổi hơn 20ha trồng các loại cây dược liệu như: Nghệ, gừng, hoài sơn, sả, cúc hoa, cỏ ngọt… bước đầu một số cây dược liệu phù hợp với chất đất, cho năng suất, thu nhập cao hơn trồng lúa và các cây hoa màu khác. Ông Nguyễn Minh Huệ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2018, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã, chúng tôi ký kết với các doanh nghiệp cung ứng giống dược liệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên chúng tôi không khuyến khích người dân trồng ồ ạt mà chỉ đạo trưởng các ban, ngành, đoàn thể trong xã vận động gia đình trồng trước, nếu cây nào có hiệu quả kinh tế cao sẽ nhân ra diện rộng. Sau một năm trồng thử nghiệm, nhận thấy cây cúc hoa và cỏ ngọt không phù hợp với thổ nhưỡng của xã nên chúng tôi không đưa vào danh sách chuyển đổi cây trồng. Hiện toàn xã có 18ha trồng cây dược liệu, trong đó cây quế: 5,5ha, hoài sơn 2ha, sắn dây 3,5ha, sả 5ha, nghệ 2ha.
Anh Trần Văn Khoa chăm sóc vườn dược liệu hoài sơn.
Là hộ có diện tích trồng nghệ tương đối lớn của xã, anh Trần Mạnh Cường, Trưởng khu 9 cho biết: Năm 2018 gia đình tôi trồng 1,7 mẫu nghệ, trong đó có giống nghệ xoắn do doanh nghiệp cung ứng giống, tuy nhiên do giống nghệ này không phù hợp với thổ nhưỡng nên hiệu quả không cao. Năm nay các hộ trồng nghệ giảm nhiều, gia đình tôi chỉ trồng 8 sào, giống mua từ Hưng Yên, bước đầu cho thấy giống nghệ này phù hợp với chất đất, không sâu bệnh. Hy vọng vụ này nghệ sẽ có năng suất cao, giá trị thu về lớn hơn.
Ký kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm, hiện nay ở Mỹ Lung, ngoài cây sả vẫn duy trì được diện tích, cây hoài sơn, sắn dây bước đầu cũng có triển vọng. Ông Sa Quốc Huy - Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin: Năm 2018 giá trị kinh tế từ nghệ, hoài sơn, sắn dây, cúc hoa đạt 600 triệu đồng. Việc chuyển đổi sang trồng cây dược liệu bước đầu cho giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, trồng màu. Hiện xã đang thử nghiệm mô hình trồng 2ha cây trạch tả, bước đầu cây sinh trưởng, phát triển tốt cho triển vọng cao.
Chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng 140 gốc sắn dây, ông Phạm Thanh Tuyền ở khu 8 cho biết: Năm 2018 gia đình tôi trồng 40 gốc sắn dây thu về 40 triệu đồng, năm nay gia đình tôi mở rộng diện tích lên 1ha. Trồng sắn dây không mất nhiều công chăm sóc, cho giá trị kinh tế cao.
Ông Khúc Văn Xuyên- Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh thêm: Ngoài đặc sản gạo nếp Gà Gáy, chúng tôi đang lựa chọn để xây dựng thêm thương hiệu của xã. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cây dược liệu bước đầu cây sả đã cho hiệu quả và có sản phẩm tinh dầu sả dược liệu Mỹ Lung. Chúng tôi hy vọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ xây dựng được thêm thương hiệu cây dược liệu có xuất xứ từ Mỹ Lung.
Chia tay Mỹ Lung, thoảng trong gió mùi thơm từ lò chưng cất tinh dầu sả như níu kéo chúng tôi, hai bên đường những dàn sắn dây, hoài sơn xanh ngắt trải dài, những vạt nghệ đang héo lá để nuôi củ hứa hẹn thêm một vụ bội thu từ cây dược liệu. Đó đây, trong sắc xuân đang kề cận, hương thơm dược liệu Mỹ Lung thêm quyến rũ, nồng nàn.