Phú Yên: Chất lượng nước một số vùng không đảm bảo cho nuôi thủy sản
Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), đơn vị vừa lấy mẫu nước tại một số vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm và kết quả một số mẫu không đảm bảo chất lượng cho nuôi thủy sản.
Theo đó, chỉ số NH3 (amoniac) vượt ngưỡng giới hạn cho phép (dao động từ 0,44-0,46mg/l) tại các vùng nuôi Phước Long và Phước Giang (huyện Đông Hòa).
Đối với chỉ số H2S (hydrosulfua) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phước Long (0,02mg/l).
Hàm lượng DO (ôxy hòa tan) thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép (dao động từ 3,5-4,9mg/l) tại các vùng nuôi Phú Lương, Mỹ Phú (huyện Tuy An), Bãi Ngọn, Phước Giang, cầu Ông Đại (huyện Đông Hòa).
Mật độ vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Tuần Nhã (TX Sông Cầu), An Hải (huyện Tuy An) và Phước Long (dao động từ 1.050-3.970CFU/ml).
Đối với môi trường nước tại các vùng nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu, chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phú Dương, Phước Lý dao động từ 0,1-0,11mg/l. Hàm lượng DO trong nước thấp hơn giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phú Dương, Phước Lý, Dân Phước. Mật độ vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Dân Phước (1930CFU/ml).
Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản khuyến cáo người nuôi thủy sản cần tăng cường sục khí trong ao, sử dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh ổn định pH và cung cấp ôxy cho đáy ao để loại trừ H2S. Người nuôi cần thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi, theo dõi hoạt động của tôm nuôi, bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Người nuôi tôm hùm cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tôm nuôi, điều chỉnh lồng nuôi phù hợp, treo các bao vôi trong các góc lồng nhằm hạn chế ảnh hưởng tảo tàn. Người nuôi cần san thưa mật độ tôm nuôi trong lồng, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, quản lý tốt lượng thức ăn, không để dư thừa gây ô nhiễm môi trường.