Phục hồi rừng ngập mặn và thảm cỏ biển tại đầm Thủy Triều
Dự án “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển (RNM-TCB) ở khu vực đầm Thủy Triều” đang được Viện Hải dương học (HDH) triển khai, đem lại nhiều hứa hẹn cho việc bảo tồn, quản lý RNM-TCB tại đây.
Doanh nghiệp và người dân tham gia
Theo Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng Viện HDH, một trong những nội dung quan trọng của dự án là triển khai xây dựng 2 mô hình phục hồi RNM tại đầm Thủy Triều có sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn đã thu hút 5 hộ dân và Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa tham gia. Ông Dương Công Tiễn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường Khánh Hòa cho biết: “Sau khi Viện HDH triển khai đề tài, Công ty tham gia ngay. Chúng tôi đã tiến hành san ủi, cải tạo mặt bằng cho khu vực trồng đước với diện tích 0,8ha; hiện nay, tỷ lệ cây sống và phát triển tốt đạt khoảng 70%. Tuy nhiên, việc bảo vệ RNM không đơn giản bởi ý thức của người dân chưa cao, việc đánh bắt hải sản trong đầm có thể phá hỏng cây non; đồng thời, cây trồng ở khu vực sóng gió, thủy triều gặp nhiều bất lợi, dễ bị đổ ngã, bị rong tạp bao phủ... Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua khi hình dung màu xanh của đầm được tái tạo”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn (xã Cam Hải Đông) - người tự nguyện bỏ ra 1ha để trồng lại RNM cho biết: “Thấy được ý nghĩa của việc bảo tồn RNM nên tôi tham gia dự án này. Tuy kinh phí hỗ trợ còn thấp (6 triệu đồng/ha) nhưng không vì thế mà không tái tạo rừng khi một thời gian dài, việc nuôi tôm công nghiệp đã hủy hoại RNM, kéo theo là những vụ mùa thất bát. Tôi đang cố gắng tìm kiếm cây giống để mở rộng thêm 2 - 3ha. Tôi chỉ mong chính quyền địa phương quan tâm việc tuyên truyền để tránh tình trạng người dân xâm hại rừng trồng...”.
Còn khó khăn
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, RNM-TCB đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và duy trì đa dạng sinh học tại các vực nước, đặc biệt là thủy vực ven biển. RNM là nơi cung cấp tài nguyên động, thực vật (gỗ, vật liệu, chất đốt, sản phẩm công nghiệp, dược liệu...); bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu (ngăn sóng biển, mở rộng đất liền, chống xâm nhập mặn, bảo vệ mạch nước ngầm, điều hòa khí hậu...). Ngoài vai trò là bãi khai thác thủy sản ven bờ, TCB còn là nguồn thức ăn và nơi sinh sống, sinh sản của các loài thủy hải sản. Nhiều nghiên cứu ước tính 1m2 TCB cung cấp 10 lít oxy hòa tan/ngày, giúp cho quá trình hô hấp của các loài động vật biển. TCB còn có tác dụng bẫy, giữ, tích tụ trầm tích, giảm sóng, chống xói lở bờ biển...
RNM-TCB có vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay đang bị suy thoái nghiêm trọng. Tại đầm Thủy Triều chỉ còn khoảng 14ha RNM phân bố rải rác so với hàng trăm héc-ta trước kia. Kết quả điều tra cho thấy, khu vực thôn 4 xã Cam Hải Đông còn khoảng 1ha RNM tự nhiên, đặc biệt tại đây có mặt loài cóc đỏ - cây ngập mặn quý hiếm được đưa vào sách đỏ. TCB tại đầm Thủy Triều khá đa dạng với 8 loài được xác định. Tuy nhiên, hiện nay, TCB còn chủ yếu ở đỉnh đầm; một số bị suy thoái nên nguồn lợi trong đầm bị suy giảm nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, cần phải có giải pháp phục hồi, quản lý RNM-TCB trong đầm Thủy Triều. Dự án “Triển khai các mô hình phục hồi, quản lý rừng ngập mặn và thảm cỏ biển ở khu vực đầm Thủy Triều” có tổng kinh phí hơn 674 triệu đồng, trong đó ngân sách hơn 534 triệu đồng, do Viện HDH thực hiện từ tháng 7-2012 đến tháng 7-2014 với các nội dung chính gồm: Điều tra, khảo sát, bổ sung hiện trạng hệ sinh thái RNM-TCB và hiện trạng quản lý, sử dụng khu vực đầm Thủy Triều; triển khai xây dựng 2 mô hình phục hồi RNM ở đầm Thủy Triều với sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng; xây dựng quy chế quản lý RNM-TCB ở đầm Thủy Triều với sự tham gia của các thành phần liên quan và triển khai hoạt động quản lý RNM-TCB khu vực đầm. Đến nay, nội dung 1 và 2 đã thực hiện đạt yêu cầu đề ra như: Trồng mới 3ha RNM có sự tham gia của 5 hộ dân và 1 doanh nghiệp; lựa chọn khu vực đề xuất bảo tồn và quản lý 1ha RNM tự nhiên và 30ha TCB vùng ven bờ thuộc thôn 4 xã Cam Hải Đông; thu gom và gieo ươm hơn 3.700 cây mắm trắng và mắm biển. Nội dung 3 và 4 đang được triển khai, trong đó có xây dựng quy chế, hoạt động truyền thông và tổ chức các đội tình nguyện địa phương nhằm tham gia giám sát, quản lý và bảo vệ RNM-TCB...
Việc tìm kiếm địa điểm phù hợp để phục hồi RNM rất khó khăn do những khu vực có thể trồng được đều đã là ao đìa nuôi tôm. Tuy bỏ hoang nhưng chủ sở hữu những ao đìa này không chấp nhận chuyển toàn bộ sang trồng rừng. Theo dự án, sẽ chọn từ 1 đến 2 địa điểm phục hồi RNM ở xã Cam Hải Đông với tổng diện tích 3ha. Tuy nhiên, trên thực tế, do diện tích tập trung không đáp ứng yêu cầu nên đề tài đã triển khai tại 4 điểm ở Cam Hòa (4 hộ, tổng diện tích 1,2ha) và 1 điểm ở Cam Hải Đông (1 hộ, diện tích 1ha). Tiến độ một số nội dung công việc phải điều chỉnh so với kế hoạch. Hiện nay, đề tài còn thiếu 0,5ha trồng RNM nhưng hy vọng sẽ mở rộng thêm diện tích trồng ở các địa điểm của 2 mô hình đã triển khai. Dự án hoàn thành, hy vọng sẽ là tiêu điểm để nhân rộng mô hình, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về bảo vệ, phục hồi RNM-TCB tại đầm Thủy Triều.