TIN THỦY SẢN

Phương pháp thí nghiệm để phát hiện ra nguyên nhân gây ra EMS

Gan tôm nhiễm bệnh. Ảnh Trần Hữu Lộc Lê Hải Quỳnh (tổng hợp từ hội thảo về EMS tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM ngày 28/06/2013)

Dễ thấy, hậu quả của hội chứng tôm chết sớm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và sản lượng tôm cùng các vấn đề liên quan như việc làm, nguồn cung tôm thịt cho thị trường tôm thế giới và giá tôm trên phạm vi toàn cầu.

Đầu năm 2009, một triệu chứng mới xuất hiện trên cả 2 loài tôm sú và tôm thẻ chân trắng, được gọi là hội chứng tôm chết sớm- EMS (Early Mortality Syndrome) gây thiệt hại lớn cho các trang trại nuôi tôm ở miền nam Trung Quốc. Năm 2010, EMS xuất hiện ở nhiều vùng nuôi tôm miền Nam Việt Nam và lan ra các quốc gia khác như  Malaysia trong năm 2011 và Thái Lan năm 2012. 

Năm 2011, dựa trên bệnh tích cấp tính của hội chứng tôm chết sớm, một tên mới được đề nghị là “Hội chứng hoại tử gan tụy cấp”- AHPNS (Acute Hepatopancreatic Necrosis Syndrome). Đến đầu năm 2013, phòng thí nghiệm bệnh học thủy sản trường đại học Arizona (Mỹ) đã phân lập được dòng thuần của tác nhân gây ra EMS.

Bệnh học

AHPNS thường xuất hiện trong khoảng 20-30 ngày sau khi thả nuôi. Bệnh xảy ra 2 giai đoạn, quan sát dấu hiệu bên ngoài ở giai đoạn sớm thường thấy gan tụy nhạt màu, kích thước gan tụy teo nhỏ đến 50% và ở giai đoạn trễ thì trong gan tụy có thể xuất hiện đốm đen do sự melanin hóa của các tế bào máu trong các ổ tụ máu trong gan tụy. Tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 100% trong vài ngày sau khi bệnh xuất hiện.

Phân tích mô bệnh học của tôm nhiễm AHPNS cho thấy sự hoại tử cấp của gan tụy diễn tiến từ trong ra ngoài với sự hư hại chức năng của các tế bào biểu mô ống lượn gan tụy. Các tế bào biểu mô này bong tróc ra khỏi thành ống gan tụy và bị hoại tử. Ở giai đoạn trễ thấy có nhiều vi khuẩn xuất hiện trong ống gan tụy của tôm, mô liên kết trong gan tụy nhạt màu, khó nghiền vì có gai, có các ổ viêm do vi khuẩn thứ cấp tấn công. Kiểu bệnh tích này cho thấy bệnh tích AHPNS trên gan tụy ban đầu được gây ra bởi độc tố.

Nguyên nhân

Thí nghiệm lây nhiễm thực hiện tại trường đại học Arizona

Kĩ thuật gây bệnh bằng phương pháp ngâm và bơm ngược hậu môn được sử dụng cho các thí nghiệm. Tiến hành 3 thí nghiệm độc lập.

Thí nghiệm 1 nhằm xác nhận lại kết quả thí nghiệm lây nhiễm bằng hỗn hợp vi khuẩn từ dạ dày tôm với phương pháp ngâm.

Thí nghiệm 2 được tiến hành với các dòng thuần vi khuẩn được phân lập từ hỗn hợp vi khuẩn từ dạ dày tôm.

Thí nghiệm 3 được tiến hành với dòng thuần của vi khuẩn gây được bệnh từ thí nghiệm 2 và kĩ thuật bơm ngược hậu môn với môi trường canh được cấy vi khuẩn gây bệnh và được lọc vô trùng.

Kết quả của các thí nghiệm trên cho thấy thí nghiệm ngâm với hỗn hợp vi khuẩn từ dạ dày cho thấy tôm thí nghiệm nhiễm bệnh và chết hàng loạt, phân tích mô bệnh học cho thấy bệnh tích trên tôm thí nghiệm có bệnh tích hoàn toàn giống tôm nhiễm bệnh thu từ các ao ở Việt Nam. Một dòng thuần của vi khuẩn phân lập từ hỗn hợp vi khuẩn dạ dày tôm cũng gây được bệnh tích điển hình của tôm nhiễm AHPNS.

Tế bào bong tróc tạo nguồn cho vi khuẩn tấn công. Bệnh này lây qua đường miệng, lưu trú trong đường tiêu hóa, sau đó tạo độc lực gây hư hại gan tụy.

Từ tháng 2- 3 năm 2013, mầm bệnh được phân tích và xác nhận thuộc phân nhánh của vi khuẩn Vibrio harveyi và gần nhất với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.

Biện pháp khắc phục

Tuy đã xác định được nguyên nhân gây ra bệnh nhưng vẫn chưa thể tìm ra biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Có nhiều ý kiến cho rằng có thể dùng mật rỉ đường vì vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus không thể sử dụng đường mía. Có thể nuôi đa canh với cá rô phi hay nuôi kết hợp rong biển, cá măng và tôm.

Các nghiên cứu sắp tới sẽ làm rõ vai trò của bacteriophage về khả năng làm tăng độc lực hoặc quyết định độc lực của vi khuẩn có gây bệnh AHPNS hay không. Rất nhiều nghiên cứu để khống chế AHPNS hiện đang được nghiên cứu tại trường đại học Arizona, Mỹ.

Vấn đề về sức khỏe người tiêu thụ và an toàn sinh học

Một vài dòng hiếm hoi của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có khả năng mang gene gây dung huyết và gây bệnh đường ruột trên người sử dụng thủy sản nhiễm khuẩn không được nấu chín. May mắn rằng dòng vi khuẩn gây bệnh AHPNS này không mang các gene độc kể trên và không sản sinh các độc tố gây ngộ độc thực phẩm trên người. Mầm bệnh trong tôm bị bất hoạt khi đông lạnh và rã đông.

Lê Hải Quỳnh (tổng hợp từ hội thảo về EMS tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM ngày 28/06/2013)