TIN THỦY SẢN

“Quái ngư” trên dòng Mê Kông

Con cá tra dầu nặng 86 kg được ngư dân H.An Phú đánh bắt cách đây vài tháng - Ảnh: Trường An Trường An

Các loài cá tra dầu,cá hô… khổng lồ của dòng sông Mê Kông đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng do tình trạng đánh bắt quá mức của người dân.

Nơi trú ngụ của “quái ngư”

Sông Vàm Nao chảy qua H.Phú Tân (An Giang) là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt quý hiếm. Đây là những loài cá có kích thước to lớn mà ngư dân thường gọi là “quái ngư”. Ngư dân nơi đây kể rằng, khoảng 20 năm về trước, khúc sông này còn có cả cá nược (cá heo), cá đao, cá đuối…  Thế nhưng những loài cá này đã đi vào quá khứ do bị người dân khai thác triệt để. Hiện tại, sông Vàm Nao chỉ còn loài cá hô và cá tra dầu “khủng”, nhưng đang ngày càng hiếm dần. Thỉnh thoảng, ngư dân mới “săn” dính những con cá hô nặng khoảng 100-160 kg, bán lại cho nhà hàng với giá từ 1- 1,2 triệu đồng/kg.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Tám Trăn (73 tuổi) - một ngư dân chuyên sống bằng nghề đánh lưới cá bông lau, cá hô nay đã giải nghệ. Ông Trăn kể: Hồi đó, sông Vàm Nao nhỏ, bề ngang chỉ bằng con lạch, một bên là cù lao Ông Chưởng, một bên là H.Phú Tân. Vào mùa lũ, con nước từ thượng nguồn đổ về mạnh làm xói lở bên phía cù lao, khúc sông ngày càng rộng ra và chảy xiết nên con sông có chiều dài khoảng 6 km, bề ngang gần 1 km, chỗ sâu nhất khoảng 30 m. Hằng ngày, lục bình cứ tấp vào mé nên cá ở nhiều. Theo quy luật tự nhiên, hễ có cá nhỏ trú ngụ thì có cá lớn đi theo tìm thức ăn. Do đó, khúc sông này có cá nhiều; đặc biệt là cá hô đất, cá hô hoa cà…

Nguy cơ cạn kiệt

Ông Trăn cho biết đời ông cũng chỉ một lần được chạm mặt và “chiến đấu” con cá hô đất nặng hơn 160 kg vào năm 24 tuổi. Trong một lần thả lưới trên sông Vàm Nao, ông thấy một con cá hô đất rất to đang ngoi lên giữa sông ngớp một luồng hơi mạnh. Ngày hôm sau, ông đan lưới lại cho thật chắc, rồi đem ra thả ngay khúc sông đó. Nhưng đợi hoài vẫn không dính bởi cá hô là loài rất khôn, giăng lưới vào ban ngày khó mà bắt được. “Đến ngày thứ ba, tôi chuyển sang thả lưới ban đêm. Ngay đêm đó, con cá bị dính lưới, giãy ầm ầm. Khi kéo lên nó quật mạnh dữ lắm, tôi phải nhanh tay quấn lưới chịu vào xuồng, vậy mà con cá vẫn kéo chiếc xuồng ra tận giữa sông. Tới lúc đó, cá hô đã thấm mệt nên tôi quấn gọn tấm lưới vào mũi xuồng rồi từ từ dong vào bờ”, ông Trăn kể lại.


Nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem con cá tra dầu “khủng” - Ảnh: Trường An

Cách đây không lâu, 2 ông Lê Văn Tư và Nguyễn Văn Đũa (cùng ngụ xã Quốc Thái, H.An Phú) đánh lưới nèm bắt gọn 2 con cá tra dầu “khủng” trên sông Hậu. Ông Tư kể hôm đó, khoảng 5 giờ sáng, thấy con nước đầu nguồn chảy nhè nhẹ, ông mới tập hợp 10 anh em trong xóm chạy ghe đi bủa lưới; chủ yếu là kiếm cá kết, cá trèn… Khi đến đầu bến đò Cây Me, 2 chiếc ghe đang chạy song song kéo lưới thì bỗng dưng giềng lưới bị giựt phăng phăng và ghì lại, ông và mọi người hoảng hồn vì biết là dính “quái ngư”. Ông cố gắng chạy máy hết tốc độ để ốp lưới vào mé sông. Lúc này, anh em bắt đầu bóp chì khẩn trương kéo lưới vì sợ sổng mất cá. Sau vài phút vật lộn với “quái ngư”, nhóm của ông đã tóm gọn được nó. Khoang ghe quá nhỏ, không tài nào để con cá vào vừa nên ông dùng dây vàm, buộc chặt đuôi và đầu mới đưa được con cá vào bờ.

Hơn 20 năm làm nghề đánh lưới nèm, ông Tư cho biết, đoạn sông Vàm Nao bị “bóp hẹp” và lòng sông có nhiều luồng lạch nên cá đi nhiều. Nghề này được ông học từ thời còn cùng cha mẹ lênh đênh trên Biển Hồ ở nước bạn Campuchia. Ông nói hồi ở Biển Hồ, đã một lần ông đánh lưới dính con cá hô đất nặng 90 kg. Nhưng mãi cho tới nay mới bắt thêm con cá hô nặng 86 kg. Còn ông Nguyễn Văn Đũa cũng kể trước đó vài ngày, ông mới đánh lưới nèm bắt dính con cá tra dầu nặng 71 kg trên sông Hậu, ở đoạn vịnh Cây Kìm. Mặc dù đều bắt được “quái ngư”, nhưng 2 ngư dân cũng không khỏi băn khoăn bởi thời gian gần đây, nhiều người đua nhau sắm ngư cụ đánh bắt nên sớm muộn gì loài “quái ngư” trên dòng Mê Kông cũng sẽ bị tuyệt chủng.

Trường An TNO