TIN THỦY SẢN

Quản lý thức ăn để cắt giảm chi phí nuôi trồng thủy sản

Quản lý chi phí thức ăn là yếu tố then chốt để giảm giá thành NTTS. Ảnh: Minh Chơn | Báo Thanh Niên Bùi Quang Tề

Quản lý thức ăn bao gồm kiểm soát chất lượng thức ăn và cách sử dụng thức ăn, là giải pháp giúp giảm chi phí giá thành sản phẩm.

Chi phí thức ăn là yếu tố chính quyết định giá thành của sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Giá thành của thức ăn chiếm trên 60% đối với nuôi tôm hoặc trên 80% đối với nuôi cá tra thì người nuôi sẽ hòa vốn hoặc không có lãi.

Chất lượng thức ăn

Thức ăn tốt, chất lượng cao là thức ăn chế biến đúng thành phần, đủ chất, đủ lượng, quá trình phối chế khoa học, vệ sinh, hệ số thức ăn thấp.


Cần lựa chọn thức ăn có chất lượng cao. Ảnh: Greg Newman | Pixabay.

Bên cạnh đó, thức ăn chất lượng tốt nhưng phải có cách cho ăn khoa học, hợp lý, phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm cá, phù hợp với trạng thái sinh hoạt của tôm cá, không thiếu, không thừa vừa thúc đẩy tôm cá lớn nhanh vừa bảo vệ được môi trường ao nuôi, không gây ô nhiễm, không gây lãng phí dẫn đến đội giá thành của tôm, cá lên cao là không kinh tế.

Cách sử dụng thức ăn

Cách sử dụng thức ăn là một vấn đề nan giải, gồm có: Khẩu phần ăn hàng ngày và cách cho ăn. 

Khẩu phần ăn hàng ngày: Tùy theo đối tượng nuôi (tôm, cá), giai đoạn giống khẩu phần ăn 5 - 8 % khối lượng cơ thể; giai đoạn thương phẩm khẩu phần ăn 1 – 4 % khối lượng cơ thể.


Cân đối khẩu phần ăn hàng ngày theo từng đối tượng nuôi. Ảnh: taku_s

Cách cho ăn:

Không cho tôm, cá ăn khi: Thức ăn kém phẩm chất, bị mốc; Trời đang mưa to, gió lớn; Tôm, cá đang nổi đầu do thiếu oxy hòa tan, các chất độc vượt ngưỡng cho phép; Tôm đang lột xác. 

Ao sử dụng quạt nước phải dừng hoạt động khi tôm, cá ăn. Hệ thống sục khí đáy ao, khi cho ăn vẫn sục khí bình thường.

Giai đoạn chuyển tiếp giữa hai số thức ăn (cỡ hạt thức ăn) cần có sự phối trộn giữa hai số trước 2 - 3 ngày khi chuyển hẳn sang thức ăn số mới. Kiểm tra khối lượng trung bình bằng cách bắt trên 30 - 100 con cân và tính khối lượng trung bình trên con.


Cần có giai đoạn chuyển tiếp giữa các cỡ hạt thức ăn. Ảnh: ivan68

Ví dụ vùng nuôi tôm thâm canh tại Sóc Trăng một hộ nuôi tôm khẩu phần ăn hàng ngày 200 kg thức ăn viên công nghiệp cho 2 ao nuôi tôm chân trắng thương phẩm, họ dự đoán dưới 2 ao có khoảng 2 tấn tôm. Tính theo khẩu phần ăn hàng ngày 4 %, thực ra lượng thức ăn chỉ cần 80 kg; khi kiểm tra nước ao NO2>5mg/L, tôm yếu chậm lớn.

Một ví dụ khác, vùng nuôi tôm thâm canh tại Quỳnh Lưu, Nghệ An một hộ nuôi tôm khẩu phần ăn hàng ngày 120 kg thức ăn viên công nghiệp cho ao nuôi tôm chân trắng thương phẩm, họ dự đoán dưới ao có khoảng 1 tấn tôm. Tính theo khẩu phần ăn hàng ngày 4%, thực ra lượng thức ăn chỉ cần 40 kg; khi kiểm tra nước ao NO2>5mg/L, tôm yếu chậm lớn.

Theo quy định của quy trình nuôi tôm tôm canh NO2<0,25mg/L. Đây chính là nguyên nhân làm cho hệ số thức ăn tăng cao.


Thành hay bại phần nhiều dựa vào thức ăn và cách cho ăn. Ảnh: taku_s

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của việc nuôi tôm, cá là thức ăn. Vì vậy người nuôi cần cho tôm ăn các loại thức ăn nằm trong danh mục thức ăn được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa.

Sử dụng loại thức ăn tùy thuộc cỡ tôm, tỷ lệ cho ăn và số lần cho ăn trong ngày thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng. Trong các ao nên để các sàng chứa thức ăn, hàng ngày kiểm tra lượng thức ăn để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.

Bùi Quang Tề