Quản lý tỉ lệ cho ăn trong hệ thống Bioflocs
Nên cho tôm ăn bao nhiêu khi nuôi trong hệ thống biofloc? Nghiên cứu mới đây của Alexis Weldon và cộng sự 2021 sẽ trả lời cho câu hỏi này khi thử nghiệm các tỷ lệ cho ăn khác nhau trên tôm thẻ chân trắng được nuôi trong các bể biofloc thâm canh, ngoài trời.
Biofloc (BFT) dựa trên nguyên tắc tái chế chất thải nitơ của một số loài vi sinh vật có trong hệ thống đồng thời giúp cải thiện chất lượng nước và tăng trưởng loài nuôi. Với ưu điểm cải thiện chất lượng nước, xử lý chất thải và góp phần phòng chống dịch bệnh trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản thâm canh mà biofloc ngày càng được nhân rộng và ứng dụng ở nhiều nơi.
Bài viết này lược dịch và tóm lược kết quả nghiên cứu của Alexis Weldon và cộng sự 2021 đăng trên tạp chí Aquaculture số 544 về tỉ lệ bổ sung thức ăn thương mại trong hệ thống biofloc nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài trời để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng mong muốn.
Thử nghiệm tỷ lệ cho ăn trong các bể biofloc thâm canh, ngoài trời
Tôm thẻ chân trắng được nuôi trong hệ thống biofloc thâm canh ngoài trời với đầu vào thức ăn có các tỉ lệ khác nhau.
Thử nghiệm tăng trưởng được thực hiện trong một hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn biofloc ngoài trời bao gồm 24 bể có thể tích 0,75m2, mật độ 160 con/m2, trọng lượng ban đầu 0,17 g. Thời gian thử nghiệm 63 ngày.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 7 tỷ lệ cho ăn khác nhau: 30%, 60%, 90%, 105%, 120%, 135% và 150% của tỷ lệ cho ăn tiêu chuẩn. 7 nghiệm thức trên được cho ăn với tần suất 4 lần/ngày. Riêng nghiệm thức thứ 8 được cho ăn 150% của tỷ lệ cho ăn tiêu chuẩn bằng việc sử dụng máy cho ăn 6 lần mỗi ngày.
Thiết lập thí nghiệm tỷ lệ cho ăn để có hướng tối đa hóa hiệu quả mô hình nuôi biofoc. Ảnh: Lệ Thủy.
Tối đa hóa cho ăn trong hệ thống biofloc
Khi kết thúc thử nghiệm, đã quan sát thấy sự khác biệt đáng kể về trọng lượng cuối cùng và hệ số chuyển đổi thức ăn của các nghiệm thức. Phân tích hồi quy được thực hiện trên ba tỷ lệ cho ăn đầu tiên (30%, 60% và 90%) đã cho thấy thức ăn tự nhiên trong hệ thống cung cấp khoảng 280 g cho tổng sinh khối tôm.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc tăng tỷ lệ thức ăn trên 100% tỷ lệ cho ăn tiêu chuẩn sẽ dẫn đến tăng trọng lượng cuối cùng nhưng lại làm tăng tỉ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR). Khi đạt đến mức tốc độ tăng trưởng tối đa, có một điểm uốn ở 101% tỷ lệ cho ăn tiêu chuẩn, do đó khi càng tăng tỉ lệ cho ăn, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn sẽ giảm nhanh chóng dẫn đến tăng FCR và tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Có nghĩa là tăng thức ăn đầu vào dẫn đến tăng trọng lượng tôm nhưng hiệu quả sử dụng thức ăn thấp hơn.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nuôi tôm trong hệ thống biofloc mật độ cao đạt được tốc độ tăng trưởng mong muốn (1,27–1,55 g/tuần), trọng lượng cuối cùng (11,62–14,15), hệ số chuyển đổi thức ăn (1,04–1,19) và tỷ lệ sống (94,17–96,94).
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy việc cho ăn hạn chế sẽ sử dụng thức ăn hiệu quả nhất. Tăng đầu vào thức ăn dẫn đến tăng trọng lượng tôm, với hiệu quả sử dụng thức ăn thấp hơn.
Nguồn: Weldon, A., Davis, D. A., Rhodes, M., Reis, J., Stites, W., & Ito, P. (2021). Feed management of Litopenaeus vannamei in a high density biofloc system. Aquaculture, 544, 737074. doi:10.1016/j.aquaculture.2021.73