Quản lý và bảo tồn nguồn lợi nghêu giống vùng biển ven bờ
Theo đánh giá, Bến Tre là một trong những tỉnh có nguồn lợi nghêu rất lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghêu Bến Tre là sản phẩm đặc sản biển đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được chứng nhận MSC vào tháng 11-2009.
Đây là “thương hiệu” lớn tầm châu lục và thế giới do Tổ chức Hội đồng Quản lý biển trao kèm theo cơ chế bảo hộ và phát triển dành cho các sản phẩm thủy hải sản như ưu đãi về thuế, giúp đỡ kinh phí hoặc tư vấn kỹ thuật để nuôi và tái tạo vùng nguyên liệu. Để thương hiệu này tồn tại lâu dài thì cần phải có sự quan tâm, ý thức của cả cộng đồng trong quản lý, khai thác và nuôi nghêu; cần phải tuân thủ đúng những tiêu chuẩn MSC. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mà các hợp tác xã nuôi nghêu đang đối mặt là chi phí để duy trì và tái chứng nhận MSC, vì tương đối lớn. Từ đây đặt ra vấn đề là chứng nhận MSC đã đem lại hiệu quả như thế nào đối với con nghêu Bến Tre, có cần thiết phải tái chứng nhận MSC không?
Từ thực tiễn trên, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư trên 490 triệu đồng để Phân viện Quy hoạch thủy sản phía Nam thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn MSC và đề xuất giải pháp quản lý và bảo tồn nguồn lợi nghêu giống ở vùng biển ven bờ tỉnh Bến Tre” do Thạc sĩ Trần Hoài Giang làm chủ nhiệm. Sau 12 tháng triển khai, nghiên cứu, đề tài xác định: Việc tiếp tục duy trì chứng nhận MSC là rất cần thiết đối với nghêu Bến Tre vì chứng nhận này đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho ngành hàng nghêu của tỉnh. Cụ thể là:
- Với nhãn sinh thái MSC trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm an toàn, bền vững, có trách nhiệm về môi trường, xã hội, do đó uy tín của các sản phẩm nghêu ngày càng được đảm bảo.
- Chứng nhận MSC là một trong số các loại nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới. Do đó, việc nghêu được chứng nhận MSC có giá trị như một giấy thông hành cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Sản phẩm mang nhãn hiệu MSC được khách hàng quan tâm hơn, thị phần xuất khẩu đã liên tục được mở rộng qua từng năm và giá bán nghêu nguyên liệu đã tăng đáng kể, từ việc chỉ có một vài thị trường nhỏ đến nay thương hiệu nghêu Bến Tre đã có mặt rộng rãi tại nhiều nước.
- Hàng năm, lợi nhuận từ nghêu được chia đều cho các xã viên, điều này đã khuyến khích cộng đồng ngư dân không ngừng tăng cường và củng cố các giải pháp bảo vệ ngư trường phát triển bền vững.
- Giá nghêu thương phẩm và nguyên liệu tăng lên đáng kể so với khi chưa được chứng nhận MSC. Giá bán nghêu thương phẩm có xuất xứ Bến Tre cao hơn nghêu tại các tỉnh Tiền Giang, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Trà Vinh và các tỉnh miền Bắc từ 5 - 10 ngàn đồng/kg.
Bên cạnh những thuận lợi và hiệu quả kể trên thì vẫn còn những khó khăn và thách thức đối với các hợp tác xã nghêu Bến Tre, đặc biệt là tình trạng trộm, cắp nghêu do người dân từ nơi khác đến vẫn còn xảy ra, một vài hợp tác xã vẫn còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức và quản lý.
Từ đây, tác giả thực hiện đề tài đã đề xuất một số giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn lợi nghêu giống từ các giải pháp kỹ thuật về khai thác, giải pháp bảo vệ môi trường, dịch bệnh đến các giải pháp về điều hành, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực khai thác… Nhưng để duy trì và tái chứng nhận tiêu chuẩn MSC không phải là vấn đề dễ dàng mà cần phải có sự tham gia của tất cả các thành phần có liên quan từ chính quyền địa phương đến cơ quan chức năng ngành thủy sản và quan trọng nhất là sự góp sức của cộng đồng xã viên các hợp tác xã, những người đang trực tiếp chăm sóc và quản lý các bãi nghêu. Việc liên kết này không chỉ dừng lại ở cấp độ xã, huyện hay tỉnh mà cần phải có sự liên kết liên tỉnh để tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác, tiêu thụ nguồn lợi nghêu và hướng đến xây dựng chứng nhận MSC cho nghêu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.