TIN THỦY SẢN

Quảng Bình: Phát huy lợi thế của địa phương để triển nuôi tôm nước lợ

Nuôi tôm trên cát ở Quảng Bình

Để phát triển nuôi và chế biến tôm nước lợ phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Quảng Bình, ngày 10/4/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 582/UBND-KTN về phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát bệnh dịch trên tôm nước lợ; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản mặn lợ, kiểm soát và quản lý tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào; đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở thu gom, chế biến tôm, ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân, phát triển các mô hình hợp tác xã đầu tư vào nuôi, chế biến tôm; tổ chức thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó tăng cường tổ chức hợp tác (Hợp tác xã/Tổ hợp tác) và liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất thủy sản. Ngoài ra cũng cần thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, nuôi tôm an toàn, nuôi tôm sạch;  rà soát tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản Quảng Bình phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với năm 2017, Sở NN và PTNT hướng dẫn các địa phương, các hộ nuôi tôm thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2017 do Tổng cục Thủy sản hướng dẫn, tăng cường quản lý giống tôm nước lợ. Bên cạnh đó, trước diễn biến thời tiết bất thường, cần phổ biến, hướng dẫn, lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện ương/vèo giống (20 đến 25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi. Sở NN và PTNT cũng cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cập nhật kết quả quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, các biện pháp giám sát, kiểm dịch bệnh trên tôm nước lợ; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tập thể, cá nhân, các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không” (không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả bỏ tôm chết, tôm bị bệnh ra ngoài môi trường). Đồng thời cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các hộ nuôi tôm tổng kết và phổ biến, nhân rộng để người dân áp dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các hình thức nuôi khác nhau. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2020.

UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển chủ động khảo sát, rà soát lại quy hoạch các vùng nuôi tôm để lập quy hoạch mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển và lợi thế của địa phương; quản lý môi trường đặc biệt là môi trường nước phục vụ cho nuôi tôm; khuyến khích các hộ nuôi liên kết sản xuất theo tổ hợp tác, liên kết các tổ hợp tác, các hợp tác xã, các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và ý thức cộng đồng, nhân rộng các mô hình nuôi tốt, xiết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản.... và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Tổng Cục Thủy Sản