Quảng Ngãi: Bất an với chất lượng tôm giống
Bước vào vụ nuôi tôm nước lợ 2018, người nuôi tôm vẫn còn chung một nỗi lo cũ là chất lượng nguồn tôm giống đang trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”, bởi ngành chức năng quản lý không xuể chất lượng tôm giống trên thị trường.
Nhu cầu mua tôm giống rất lớn
Hiện trên địa bàn Quảng Ngãi đã thả nuôi tôm trên 184ha. Trong đó, huyện Đức Phổ nhiều nhất với 125ha, Mộ Đức 25ha, Bình Sơn 22ha, TP.Quảng Ngãi 12ha. Diện tích nuôi tôm lớn, nhu cầu mua con giống chất lượng của người dân cũng tăng theo.
Nhiều hộ dân nuôi tôm bất an với chất lượng tôm giống.
Song, hầu hết người nuôi tôm đều phải vất vả ra, vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... để mua tôm giống, vì lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm. Ông Bùi Tấn Cống, ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) cho biết: "Vụ tôm năm nay gia đình thả nuôi 40.000 con, đều được mua ở Bình Định. Gia đình có thâm niên 10 năm nuôi tôm, có cả thành công lẫn thất bại, tôi đúc kết chất lượng tôm giống và nguồn thức ăn là yếu tố quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm. Nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm chính là chất lượng nguồn giống, vì hầu hết bà con chọn mua con giống theo cảm tính. Việc chọn giống luôn trong thế “hên xui” suốt nhiều năm nay".
Cạnh hồ tôm của ông Bùi Tấn Cống, nhiều người nuôi tôm khác đang vệ sinh hồ để nuôi tôm. Ông Văn, ở thôn Minh Tân Nam cho biết, tôm giống trong tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến bà con phải mua tôm giống qua nhiều bước trung gian, vậy nên giá thành cũng cao, mà chất lượng ra sao thì bà con không dám chắc.
Tự “bơi” tìm con giống, nên nhiều người thấp thỏm âu lo về chất lượng. Kỹ thuật nuôi bà con dày dạn kinh nghiệm, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng nguồn giống, thì bà con không “cầm trịch” được, vì thực tế có nhiều vụ, giống tôm sau khi thả nuôi chỉ trong thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều bệnh hoặc tôm còi cọc, chậm phát triển, dẫn đến thua lỗ.
Ngoài tầm kiểm soát
Theo ước tính, mỗi năm Quảng Ngãi cần khoảng 1,5 tỷ con tôm giống. Tuy nhiên, các trại giống trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp khoảng vài triệu con. Việc người dân phải nhập giống tôm ngoài tỉnh để thả nuôi, khiến cho việc quản lý chất lượng đầu vào luôn ngoài tầm kiểm soát. Nhằm hạn chế những rủi ro từ nguồn giống kém chất lượng, trong các lớp tập huấn, ngành nông nghiệp thường hướng dẫn cho bà con cách chọn tôm giống.
Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) Lê Thị Ngọc Hà cho hay, trên địa bàn tỉnh có nơi sản xuất thành công nguồn tôm giống, nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu trong tỉnh. Việc người dân nhập giống từ các tỉnh khác thông qua nhiều kênh trung gian, ngành chức năng không thể kiểm soát hết chất lượng trước khi bà con thả nuôi, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh trên con tôm.
Cả nước có 1.863 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ. Những quy định về quản lý chất lượng tôm giống đã có, nhưng trên thực tế việc thực hiện những quy định còn rất nhiều bất cập. Sự thành bại nghề nuôi tôm, ngoài sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp nuôi tôm thì vai trò quản lý của Nhà nước là yếu tố rất quan trọng, nhằm góp phần đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững hơn.
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, trong vụ nuôi tôm 2017, toàn tỉnh có 0,35ha diện tích nuôi tôm bị chết non sau 30 ngày thả nuôi, với số lượng 20 vạn con, nguồn giống tôm đều mua ở ngoài tỉnh. Nhiều vùng nuôi tôm gặp rủi ro về dịch bệnh. Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, mấu chốt sự thành bại là nguồn gốc tôm giống, nhưng ngành chức năng chưa thể kiểm soát.