Quảng Ninh: Khẳng định vai trò hạt nhân của ngành thủy sản
Trong những năm gần đây, thủy sản Quảng Ninh tăng trưởng ở mức đột phá, khẳng định vị trí hạt nhân, động lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trở thành một trong 6 ngành kinh tế được tỉnh ưu tiên phát triển.
Vượt vũ môn vươn ra biển lớn
Nói về sự phát triển của ngành thủy sản Quảng Ninh, ông Ngô Trinh Am, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản tỉnh) giai đoạn 1996-2001 không giấu nổi niềm tự hào: Kể từ sự kiện Bác Hồ về thăm làng cá Tuần Châu đầu tháng 4/1959 đồng thời Nhà nước cũng lấy mốc này làm ngày truyền thống ngành Thủy sản, thủy sản Quảng Ninh đã có tròn 60 năm phát triển. Trong thời gian ấy, phải nói rằng thủy sản Quảng Ninh đã có những bước tiến không ngừng, “vượt vũ môn” để hội nhập thị trường trong và ngoài nước, không chỉ nâng cao giá trị, trở thành hạt nhân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngành kinh tế ưu tiên của tỉnh mà còn phát triển bền vững, có trách nhiệm…
Thời kỳ những năm 1990, các mô hình NTTS trên địa bàn mới được manh nha hình thành và hình thức nuôi ở dạng đơn giản nhất là nuôi quảng canh, thì đến nay toàn tỉnh đã có đến trên 21.000ha diện tích NTTS, cả trên bờ và dưới biển. Đối tượng nuôi đều được lựa chọn, có giá trị cao trên thị trường như tôm, cá biển, nhuyễn thể. Trong đó, ngành tôm nuôi, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học kỹ thuật cao nhất với diện tích 10.500ha (trong đó có gần 4.000ha nuôi tôm công nghiệp, giá trị mỗi ha cao gấp 70 lần nuôi quảng canh). Hiện mỗi năm đạt tổng sản lượng 13.000 tấn, doanh thu trên 2.500 tỷ đồng...
Đồng thời, đã hình thành các vùng NTTS tập trung với hạ tầng được đầu tư cơ bản, như: Vùng chuyên canh tôm Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà; vùng nhuyễn thể Vân Đồn, Hải Hà; vùng cá nước ngọt Đông Triều; công nghệ sản xuất giống thủy sản tại chỗ công nghệ cao, với giống tôm của Tập đoàn Việt - Úc (Đầm Hà) và giống nhuyễn thể tại Vân Đồn.
Cùng với đó, khai thác thủy sản (KTTS) đang phát triển theo hướng vươn khơi, toàn tỉnh có gần 8.400 tàu nhỏ, 690 tàu lớn. Nếu so với năm 2004, mốc thời điểm bắt đầu phát triển các tàu xa bờ trên địa bàn thì giảm 30% về tàu nhỏ và tăng 2,6 lần về tàu lớn. 100% các tàu lớn đều sử dụng các thiết bị hiện đại để khai thác như máy dò cá, định vị, rada… 30% số tàu đã liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau thông qua các mô hình tổ, đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, HTX thủy sản trên biển.
Năm 2018, thủy sản Quảng Ninh đạt 125.000 tấn về sản lượng, đạt 9.000 tỷ đồng về giá trị, chiếm 55% giá trị toàn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tức cao hơn tổng giá trị của 3 ngành trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong đó NTTS tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 9%, đạt 58.300 tấn sản lượng, trên 5.000 tỷ đồng giá trị, chiếm gần 60% giá trị ngành thủy sản.
Từ những nỗ lực và kết quả trên, thủy sản Quảng Ninh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao nhiều phần thưởng cao quý như: Anh hùng ngành Thủy sản, Anh hùng lao động, Huân chương Kháng Chiến, Huân chương Lao Động, huy chương "Vì sự phát triển nghề cá", nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh...
Đứng trước những cơ hội mới
Với những kết quả đạt được, trên những nền tảng đã có, thủy sản Quảng Ninh dễ dàng tiếp cận và vận dụng được những cơ hội lớn để nâng tầm vị thế của mình. Đó là thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng lớn mang đến những ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao sản lượng, giá trị; thị trường tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước rộng mở, nhất là trong xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các loại thực phẩm thủy sản; sức mạnh của thời đại công nghệ số 4.0 cho phép làm chủ môi trường nuôi với hệ thống tự động quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, an toàn thực phẩm… Tuy nhiên bên cạnh đó thủy sản cũng đối mặt với không ít thách thức. Đó là diện tích NTTS ngày càng bị co hẹp, dành chỗ cho các công trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Thủy sản Quảng Ninh không được phép đứng yên trong dòng chảy dữ dội này mà thay vào đó phải liên tục phát triển và tạo nên đột phá. Trong đó giải pháp hữu hiệu nhất không gì khác là tăng giá trị trên diện tích nuôi trồng, khai thác đồng thời hướng ra biển lớn, hiểu cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…
Ngư dân Phú Hải (Hải Hà) sử dụng máy móc để thu hoạch nghêu.
Để làm được điều này, thủy sản Quảng Ninh buộc phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động giám sát thông số môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, tạo ra các vùng nuôi an toàn; đưa giống mới ưu việt và quy trình sản xuất chuẩn vào sản xuất, đặc biệt là các giống đặc hữu, riêng có, giá trị cao. Bên cạnh đó phải mở rộng các hoạt động NTTS trên biển, thậm chí trên các vùng biển xa bờ, vùng biển mở, vịnh hở; phải tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chế biến sâu để đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Cùng với những giải pháp trên, Quảng Ninh còn có một hướng mở lớn cho thủy sản mà các tỉnh, thành khác không có, đó chính là phát triển thủy sản gắn với du lịch. Ông Nguyễn Hữu Giang khẳng định: Đây là ưu thế rất lớn của Quảng Ninh và cũng hứa hẹn phát triển bền vững. Bởi đây vốn là vùng trọng điểm về du lịch của toàn quốc, nhất là du lịch biển đảo, trải nghiệm, mỗi năm đón đến trên 12 triệu lượt khách, trong đó có trên 5 triệu lượt khách quốc tế.
Công ty CP Thủy sản Tân An (TX Quảng Yên) thu hoạch hầu cửa sông.
Thủy sản Quảng Ninh đã thực sự có những bước tiến ấn tượng. Đây sẽ là nền tảng để ngành kinh tế thủy sản tạo nên những dấu ấn mới, giàu mạnh, đạt các mục tiêu mà tỉnh đề ra. Cụ thể đến năm 2020 đạt sản lượng 130.000 tấn, giá trị trên 10.000 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD; các năm tiếp theo tăng trưởng từ 7-10%/năm.